"Nếu Thụy Điển bị tấn công và tìm kiếm sự hỗ trợ của chúng tôi thì chúng tôi sẽ cung cấp", Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay cho biết tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ở Harpsund.
Theo thỏa thuận có tên Tuyên bố Chính trị về Đoàn kết, "nếu một trong hai quốc gia hứng chịu thảm họa hoặc bị tấn công, Anh và Thụy Điển sẽ hỗ trợ nhau theo nhiều cách, có thể bao gồm các nguồn lực quân sự", bà Andersson nói thêm.
Văn phòng của Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ ký thỏa thuận tương tự với Phần Lan tại Helsinki trong hôm nay. "Chúng tôi kiên định, dứt khoát ủng hộ cả Thụy Điển và Phần Lan. Động thái ký các thỏa thuận an ninh là biểu tượng cho sự đảm bảo vĩnh viễn giữa các nước chúng ta", ông Johnson nhấn mạnh.
Với thỏa thuận mới, Anh và hai nước sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và đẩy nhanh quá trình huấn luyện, diễn tập, triển khai hoạt động quân sự chung.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Harpsund, Thụy Điển, hôm 11/5. Ảnh: Reuters.
Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia có truyền thống trung lập, đang xem xét khả năng gia nhập NATO và có thể nộp đơn xin tham gia liên minh trong tháng 5, đánh dấu thay đổi lớn trong chính sách của hai nước Bắc Âu.
Các nhà ngoại giao NATO cho biết quá trình phê chuẩn có thể mất khoảng một năm, do cần sự chấp thuận từ quốc hội của 30 nước thành viên. Các thành viên chủ chốt của NATO như Mỹ, Anh, Đức... đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Phần Lan và Thụy Điển nếu hai nước xin gia nhập.
Nộp đơn xin vào NATO sẽ không giúp hai nước Bắc Âu vào diện được bảo vệ theo Điều 5 Hiệp ước NATO, trong đó quy định mọi cuộc tấn công nhằm vào một thành viên của khối cũng bị coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ cùng tham gia đáp trả.
Trong quá trình chuyển tiếp từ ứng viên xin gia nhập đến thành viên chính thức, Phần Lan và Thụy Điển sẽ cần một số biện pháp bảo đảm an ninh từ NATO, trong đó yêu cầu các nước trong liên minh hỗ trợ tăng cường khả năng phòng thủ để đề phòng bất cứ mối đe dọa nào.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tuần trước cho biết Washington đã hứa bảo đảm an ninh nếu Stockholm nộp đơn xin gia nhập NATO, nhưng đó chưa phải những bảo đảm an ninh đầy đủ. Bà Linde từ chối nêu chi tiết, chỉ nói rằng điều này "sẽ khiến Nga hiểu rõ rằng Mỹ không ngồi yên nếu họ thực hiện những hành động tiêu cực nhằm vào Thụy Điển".
7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Nguồn tin: Ngọc Ánh (Theo Reuters)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn