Tỷ phú Elon Musk mua Twitter với giá khoảng $44 tỷ

Thứ ba - 26/04/2022 04:17
unnamed
unnamed


SAN FRANCISCO, California (NV) – Tỷ phú Elon Musk đã đạt thỏa thuận để mua lại công ty Twitter với giá khoảng $44 tỷ, theo loan báo của công ty này hôm Thứ Hai, 25 Tháng Tư.
Ông Musk, tổng giám đốc công ty Tesla và cũng là người giàu nhất thế giới, từng nói ông muốn mua công ty này vì ông thấy Twitter hiện chưa bảo vệ “tự do ngôn luận” cho đúng mức.
Ông Elon Musk tại xưởng sản xuất xe Tesla ở Austin, Texas. (Hình: Suzanne Cordeiro/AFP via Getty Images)
Theo Elon Musk, ông thấy có nhu cầu đưa Twitter thành công ty tư nhân để có thể xây dựng sự tin tưởng với người sử dụng và phục vụ mục tiêu “rất quan trọng cho xã hội” là tự do ngôn luận.
Twitter cho hay sẽ là một công ty tư nhân sau khi thủ tục bán công ty được hoàn tất
Tổng giám đốc Twitter, ông Parag Agrawal, gửi tweet nói rằng: “Twitter có mục đích và có tầm vóc ảnh hưởng đến cả thế giới. Chúng tôi rất hãnh diện về nhân viên của mình cũng như những thành quả quan trọng trong thời gian qua.”
Ông Musk từng miêu tả mình là người “hoàn toàn tin vào tự do ngôn luận,” dù rằng người ta không rõ rằng ông định nghĩa “tự do ngôn luận” là như thế nào.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho TED mới gần đây, tỷ phú này nói rằng ông muốn Twitter thà là sai lầm khi để cho phát tán những phát biểu sai lạc hơn là tìm cách điều tiết hoặc ngăn chặn.
Ông nói sẽ “rất ngần ngại” khi xóa các bản tweet và sẽ rất cẩn trọng trong việc cấm sử dụng dịch vụ này. Ông cũng xác nhận Twitter phải tuân hành các luật về ngôn luận ở các quốc gia trên khắp thế giới.
Dù vậy, chính cá nhân ông Musk vẫn thường xuyên chặn người sử dụng trang mạng xã hội vào trang của ông để chỉ trích chính cá nhân hoặc công ty của ông.
Elon Musk cũng dùng trương mục mạng xã hội của mình để dọa nạt các ký giả từng viết những bài với nội dung không có lợi cho chính cá nhân hoặc công ty của ông.
Hội đồng quản trị công ty Twitter lúc đầu có biện pháp ngăn chặn không cho ông Elon Musk mua lại công ty. Tuy nhiên, sau khi ông Musk cho thấy ông có sẵn số tiền $46.5 tỷ và không thấy có ai khác tỏ ý muốn mua, hội đồng quản trị khởi sự thương lượng với ông Musk. (V.Giang) [kn]

Thứ ba, 26/4/2022, 11:42 (GMT+7)
Tại sao Elon Musk mua Twitter
Elon Musk quyết tâm thâu tóm Twitter là nhằm thúc đẩy tự do ngôn luận trên mạng xã hội, nhưng mục tiêu này khiến giới chuyên gia lo ngại.
Thông tin Musk muốn kiểm soát Twitter đã xuất hiện từ cuối tháng 3 khi ông tìm cách mua lại cổ phiếu công ty này càng nhiều càng tốt. Đầu tháng 4, hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy, tỷ phú Mỹ đã sở hữu 9,1% cổ phần mạng xã hội.
Giữa tháng này, ông tuyên bố đã "đưa ra lời đề nghị tốt nhất và cuối cùng" để mua Twitter. Ông cũng khẳng định đã chuẩn bị sẵn "Kế hoạch B" nếu thất bại, đồng thời tìm cách gặp riêng một số cổ đông lớn của Twitter để thuyết phục họ về giá thầu của mình.
Nỗ lực của Musk khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao một người giàu nhất thế giới, sở hữu hàng loạt công ty lớn lại tìm cách thâu tóm một mạng xã hội.
"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn luận", Musk giải thích tại hội nghị TED diễn ra hồi giữa tháng. "Twitter đang trở thành một quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận và là nơi mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm trong giới hạn của luật pháp".

Elon Musk đã thành công sau gần một tháng nỗ lực thâu tóm Twitter. Ảnh: FT/Reuters
Tỷ phú Mỹ cho biết, quyết định mua lại Twitter của ông không phải để kiếm tiền. Ông muốn nắm quyền kiểm soát để có thể biến thuật toán Twitter thành mã nguồn mở và tăng tính minh bạch với người dùng. Ông cũng muốn chính sách quản lý nội dung mềm mỏng hơn, hạn chế những lệnh cấm sử dụng vô thời hạn và chuyển sang có thời hạn ngắn.
Musk không đơn độc trong việc kêu gọi các nền tảng công nghệ minh bạch hơn với các thuật toán của họ. Sau vụ bê bối của Facebook liên quan tới cựu quản lý Frances Haugen, cách các thuật toán có thể thúc đẩy sự chia rẽ và định hướng người dùng đến những nội dung tiêu cực đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Các chuyên gia lo ngại con người đang ngày bị thống trị nhiều hơn bởi các thuật toán.
Nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey cũng nhiều lần kêu gọi cung cấp cho người dùng công cụ để kiểm soát mạng xã hội. Ông thậm chí chia sẻ lại câu hỏi khảo sát của Musk và bình luận: "Việc lựa chọn sử dụng thuật toán nào (hoặc không) nên được mở cho mọi người".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng nền tảng có thể sẽ xuất hiện nhiều nội dung cực đoan hơn thời gian tới - vấn đề mà các công ty truyền thông xã hội đang cố giải quyết thời gian qua. Musk thừa nhận việc kiểm duyệt nội dung là "vấn đề không rõ ràng", nhưng sẽ cần thời gian để thay đổi.
Khả năng thay đổi Twitter của Musk
Musk hiện mới đạt thỏa thuận mua Twitter, trong khi việc hoàn tất thương vụ dự kiến mất vài tháng. Theo luật Mỹ, ông phải thông báo cho Ủy ban Thương mại Liên bang, Bộ Tư pháp về kế hoạch thâu tóm Twitter và việc giao dịch có thể bị chậm trễ.
Musk cũng cam kết đưa Twitter trở thành một công ty tư nhân. Khi công bố giá thầu, ông viết trong hồ sơ gửi lên SEC rằng "từ khi quyết định thực hiện khoản đầu tư của mình, tôi nhận ra công ty sẽ không phát triển mạnh trong tương lai, cũng như không phục vụ mệnh lệnh xã hội ở hiện tại. Twitter cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân".
Elon Musk được dự đoán sẽ tạo ra một số thay đổi lớn trên Twitter trong tương lai. Người dùng nền tảng này hiện không có cách nào để chỉnh sửa tweet ngoài việc xóa và đăng lại. Đầu tháng này, tỷ phú Mỹ hỏi hơn 80 triệu người theo dõi của mình rằng, liệu họ có muốn một nút chỉnh sửa hay không. Có 73,6% trong số hơn bốn triệu người chọn "Có". Một ngày sau, nhóm truyền thông Twitter xác nhận rằng công ty đang bổ sung tính năng này cho nền tảng.
Musk cũng nói ông muốn cho phép mọi người xem liệu các tweet của họ được thăng cấp hay bị giáng cấp. "Điều đó có thể giúp ngăn chặn các nội dung thao túng", ông nói hồi giữa tháng. Một số nguồn tin nội bộ của Twitter tiết lộ, đội ngũ nghiên cứu của công ty đã xem xét vấn đề trên, nhưng tính năng dường như phức tạp hơn rất nhiều so với dự tính.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Musk có thực hiện thay đổi nào đối với chính sách quyền riêng tư của Twitter hay không. Theo một số chuyên gia, tỷ phú Mỹ có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội nếu dữ liệu của người dùng trở nên kém an toàn hơn. Thực tế, việc sở hữu Twitter được cho là sẽ giúp Musk kiểm soát nhiều dữ liệu người dùng "nhạy cảm" hơn so với các công ty khác mà ông đang điều hành như Tesla và SpaceX.


 
   



 

Nguồn tin: Bảo Lâm (theo Washington Post)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập34
  • Hôm nay9,004
  • Tháng hiện tại126,216
  • Tổng lượt truy cập35,048,698
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây