Triều Tiên áp đặt một lệnh đóng cửa toàn quốc hôm thứ Năm 12/5 để kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên được công nhận.
Đợt bùng phát buộc nhà lãnh đạo Kim Jong Un phải mang khẩu trang ở nơi công cộng, có thể là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng quy mô lây truyền bên trong Triều Tiên không được biết ngay.
Thất bại trong việc làm chậm lây nhiễm có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì đất nước này có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém và 26 triệu người được cho là hầu hết chưa được tiêm chủng.
Một số chuyên gia nói Triều Tiên, bằng cách hiếm khi thừa nhận một đợt bùng phát, có thể đang tìm viện trợ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, vài giờ sau khi Triều Tiên xác nhận vụ bùng phát, quân đội Hàn Quốc cho biết phát hiện được Triều Tiên đã bắn ba phi đạn đạn đạo bị nghi ngờ về phía biển. Đây là đợt phóng phi đạn thứ 16 trong năm nay, với nỗ lực nhằm buộc Hoa Kỳ chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân và đàm phán về việc nới lỏng các chế tài cũng như các nhượng bộ khác từ thế mạnh.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên cho biết các cuộc xét nghiệm mẫu virus được thu thập ngày 8/5 từ một số lượng không xác định những người bị sốt ở thủ đô Bình Nhưỡng, đã xác nhận họ bị nhiễm biến thể Omicron.
Để ứng phó, ông Kim kêu gọi tại cuộc họp Bộ Chính trị của đảng cầm quyền về việc phong tỏa toàn diện các thành phố và quận, và nói rằng các đơn vị nên cách ly nơi làm việc để ngăn chặn virus lây lan. Ông kêu gọi các nhân viên y tế đẩy mạnh nỗ lực khử trùng tại nơi làm việc và nhà ở và huy động nguồn cung cấp y tế dự trữ.
Ông Kim nói điều quan trọng là phải kiểm soát lây lan và loại bỏ nguồn lây nhiễm càng nhanh càng tốt, đồng thời giảm bớt bất tiện cho công chúng do việc kiểm soát virus gây ra. Ông khẳng định đất nước sẽ vượt qua đợt bùng phát vì chính phủ và người dân "đoàn kết một lòng."
Mặc dù có những biện pháp kiểm soát virus ngày càng cao, ông Kim ra lệnh cho các quan chức thúc đẩy các dự án xây dựng, phát triển nông nghiệp và các dự án nhà nước khác theo lịch trình đồng thời củng cố thế trận quốc phòng của đất nước để tránh bất kỳ khoảng trống an ninh nào.
Truyền hình nhà nước Triều Tiên chiếu cảnh ông Kim và các quan chức cấp cao khác mang khẩu trang khi bước vào phòng họp, mặc dù ông Kim đã tháo khẩu trang để nói chuyện trước một bộ micro. Tuy nhiên các bức ảnh do KNCA phân phối cho thấy ông Kim không mang khẩu trang và ngồi ở đầu bàn, nơi tất cả các quan chức khác vẫn mang khẩu trang.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều, không thể xác nhận ngay đây có phải là lần đầu tiên truyền thông nhà nước cho thấy ông Kim mang khẩu trang kể từ khi bắt đầu đại dịch hay không. Ông Kim trước đó đã nói chuyện với đám đông khổng lồ mà không mang khẩu trang vì ông ca ngợi phản ứng trước đại dịch của đất nước và quyết định mang khẩu trang của ông có thể nhằm nâng cao cảnh giác của công chúng.
Triều Tiên, quốc gia đã duy trì các biện pháp kiểm soát chống vi-rút nghiêm ngặt tại biên giới trong hơn hai năm, không cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc phong tỏa mới. Nhưng một nhiếp ảnh gia của Associated Press ở phía biên giới Hàn Quốc đã nhìn thấy hàng chục người đang làm việc trên cánh đồng hoặc đi bộ trên lối đi bộ tại một thị trấn biên giới của Triều Tiên - một dấu hiệu cho thấy việc phong tỏa không yêu cầu mọi người ở nhà hoặc miễn công việc đồng áng.
Nhà phân tích Cheong Seong-Chang tại Viện Sejong của Hàn Quốc nói, các biện pháp được mô tả trên các phương tiện truyền thông nhà nước và tuyên bố của ông Kim rằng vẫn cần đạt được các mục tiêu kinh tế có thể cho thấy Triều Tiên đang tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế đi lại và tiếp tế giữa các vùng.
Chính phủ Triều Tiên đã từ chối các loại vắc xin do chương trình phân phối COVAX do Liên hiệp quốc cung cấp, có thể vì có các yêu cầu giám sát quốc tế.
Bộ Thống nhất Seoul nói Hàn Quốc sẵn sàng viện trợ y tế và các trợ giúp khác cho Triều Tiên dựa trên nhân đạo. Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã xấu đi kể từ năm 2019 giữa lúc đàm phán hạt nhân bế tắc và các vụ thử vũ khí ngày càng khiêu khích của Triều Tiên.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, cho biết Bắc Kinh đang đề nghị giúp Triều Tiên trong việc đối phó với dịch bùng phát. Triều Tiên được cho là đã từ chối các đề nghị cung cấp vắc-xin sản xuất trong nước của Trung Quốc trước đây.
Giáo sư Kim Sin-gon, tại Đại học Y khoa Seoul Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên có thể ra dấu hiệu sẵn sàng nhận vắc-xin bên ngoài, nhưng muốn nhiều liều hơn COVAX cung cấp để tiêm nhiều lần cho toàn bộ người dân. Ông nói Triều Tiên cũng sẽ muốn các lô hàng thuốc và thiết bị y tế COVID-19 bị cấm bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ông Kim Sin-gon nói tiếp là Omicron lây lan dễ dàng hơn nhiều so với các biến thể virus corona trước đó, và tỷ lệ tử vong và nhập viện cao ở những người lớn tuổi chưa được tiêm chủng hoặc những người có vấn đề về sức khỏe. Điều đó có nghĩa là sự bùng phát có thể gây ra "một tình huống nghiêm trọng"vì Triều Tiên thiếu trang bị y tế và thuốc men để chữa trị cho bệnh nhân virus; nhiều người trong số họ bị suy dinh dưỡng.
Vụ bùng phát tại Triều Tiên xảy ra khi Trung Quốc - đồng minh và đối tác thương mại thân thiết của Bình Nhưỡng - đang chống chọi với đợt bùng phát đại dịch lớn nhất.
Vào tháng 1, Triều Tiên dự kiến mở lại giao thông vận tải đường sắt giữa thị trấn biên giới Sinuiju và Đan Đông của Trung Quốc lần đầu tiên sau hai năm, nhưng Trung Quốc đã ngừng giao dịch vào tháng trước do dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh, giáp với Triều Tiên.
Nguồn tin: tru Vu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn