Liên Hiệp Quốc ủng hộ bản báo cáo về tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Thứ bảy - 03/09/2022 08:25
unnamed (2)
unnamed (2)
  Ảnh tư liệu: Công an Trung Quốc đứng gác trước cổng một trại giam ở Tân Cương, Trung Quốc, ngày 23/04/2021. AP - Mark Schiefelbein
Một ngày sau khi báo cáo của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về cách thức Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ được công bố, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm qua, 01/09/2022, lên tiếng ủng hộ định chế này trước những cáo buộc từ Bắc Kinh cho đấy là « một công cụ chính trị » được thực hiện bởi những « tay sai » của phương Tây. 
Theo AFP, ông Antonio Guterres còn kêu gọi Trung Quốc nên « nghe theo những khuyến nghị ». Phát ngôn viên của ông Guterres tuyên bố, bản báo cáo này khẳng định « những gì tổng thư ký phát biểu từ bao lâu nay về Tân Cương : Quyền con người phải được tôn trọng và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ phải được tôn trọng ».  
Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng bênh vực sau khi Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối và tuyên bố rằng tài liệu 50 trang này là « hoàn toàn bất hợp pháp và vô giá trị ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) hôm qua cho rằng « báo cáo này là mớ hỗn độn các thông tin giả, một công cụ chính trị phục vụ cho chiến lược của Mỹ và phương Tây, nhằm sử dụng Tân Cương để cản trở đà phát triển của Trung Quốc ».  
Bất chấp các áp lực từ Bắc Kinh, hôm thứ Tư, 31/08, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã cho công bố bản báo cáo rất được trông đợi, đề cập đến khả năng Trung Quốc đã « phạm tội ác chống nhân loại » tại Tân Cương.  
Tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh việc công bố văn bản này và yêu cầu Bắc Kinh nên giải thích rõ về những gì mà Hoa Kỳ xem là hành động « diệt chủng ».   
Hãng tin Pháp lưu ý, hôm thứ Tư 31/08 là ngày cuối cùng bà Michelle Bachelet, người Chilê, còn trên cương vị lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền, và bà đã giữ lời hứa khi cho công bố bản báo cáo này ngay trước nửa đêm tại Genève, Thụy Sĩ. 


Báo cáo nhân quyền Tân Cương: Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên truyền của Trung Quốc
Đăng ngày: 02/09/2022 - 16:14

​Ảnh minh họa: Trung Tâm Dịch Vụ Đào Tạo Kỹ Năng Nghề Nghiệp Thành Phố Artux tại khu công nghiệp Côn Sơn ở Artux ở Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 03/12/2018, AP - Ng Han Guan
Sự kiện được báo chí Pháp ra ngày 02/09/2022 đưa tin và bình luận rộng rãi nhất có lẽ là bản báo cáo về tình trạng nhân quyền tại vùng Tân Cương vừa được Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet công bố vào giờ chót hôm 31/08 vừa qua, mạnh mẽ tố cáo các hành vi chà đạp quyền con người mà chế độ Bắc Kinh tiến hành  nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác tại Trung Quốc. 

Ngay trên trang nhất của mình, trong hàng tựa lớn thứ hai, Le Monde ghi nhận: “Duy Ngô Nhĩ: Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc lên án nặng nề Trung Quốc”. Trong bài viết chính ở trang quốc tế bên trong, tờ báo nói chi tiết hơn về lý do khiến Bắc Kinh bị vạch mặt chỉ tên: “Đàn áp người Duy Ngô Nhĩ”. 
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng chạy gần như cùng một tựa: “Đàn áp người Duy Ngô Nhĩ: Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc tố cáo”, trong lúc nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh trong một tựa nhỏ trang nhất: “Liên Hiệp Quốc công nhận các tội ác của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ”. Riêng tờ Le Figaro, thiên hữu, ghi nhận ở trang quốc tế bên trong rằng: “Liên Hiệp Quốc nói đến các’tội ác chống nhân loại’ tại Tân Cương”
Trong số báo Pháp, nghiêm khắc hơn cả đối với Trung Quốc là nhật báo Công Giáo La Croix. Tờ báo nhìn việc bà Michelle Bachelet công bố bản báo cáo về nhân quyền Tân Cương dưới lăng kính: “Liên Hiệp Quốc tố cáo các ‘tội ác chống nhân loại’ tại Tân Cương”, thể hiện quyết tâm “dấn thân” của định chế quốc tế vào hồ sơ nhạy cảm này. 
La Croix: “Tân Cương, Liên Hiệp Quốc dấn thân” 
Trong bài xã luận ngay trang nhất với tựa đề “Tân Cương, Liên Hiệp Quốc dấn thân”, La Croix nêu bật giá trị đáng kể của bản báo cáo về nhân quyền tại Tân Cương trong bối cảnh chế độ Bắc Kinh nỗ lực bưng bít thông tin về những gì diễn ra ở vùng này kể từ năm 2016.  
Sau một loạt vụ tấn công mà người Duy Ngô Nhĩ bị quy là thủ phạm, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp trấn áp mà nhiều tổ chức phi chính phủ gọi là diệt chủng. Một cách có hệ thống, Bắc Kinh cũng bôi nhọ các cuộc điều tra nhằm xác lập sự thật. Đối với Bắc Kinh, những nghiên cứu đó chỉ là "công cụ chính trị" phục vụ cho một cuộc chiến tranh thông tin nhằm làm suy yếu Trung Quốc. 
Chính trong bối cảnh đó mà theo La Croix, cần phải khen ngợi sự điềm tĩnh, khéo léo và lòng dũng cảm của bà Michelle Bachelet, bởi lẽ lần này, bên lên tiếng tố cáo lại chính là Liên Hiệp Quốc. Báo cáo về tình hình Tân Cương do người đứng đầu Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cựu nữ tổng thống Chilê, công bố hôm 31/08, dù không dùng đến từ “diệt chủng”, nhưng đã nêu lên những “tội ác chống nhân loai” có thể xảy ra, đồng thời xác nhận sự tồn tại của một “kế hoạch giam giữ tùy tiện trên quy mô lớn”. 
Đối với các nhà đấu tranh cho người Duy Ngô Nhĩ, những lời tố cáo nói trên chưa đủ, nhưng đối với Bắc Kinh, bấy nhiêu đó đã là quá nhiều. Chế độ đã phản ứng như thường lệ, lên án “hàng loạt thông tin sai lệch” và cáo buộc Mỹ giật dây.  
Theo La Croix, quả đúng là Mỹ đã cố thúc đẩy việc công bố báo cáo, nhưng điều đó không làm giảm đi tầm quan trọng của báo cáo này, vốn có giá trị trên hai mặt: Góp phần vén một góc bức màn đang che phủ bản chất của chiến dịch đàn áp, và giúp tránh được cái bẫy của chủ nghĩa tương đối mà những lời tuyên truyền thô thiển của chế độ Trung Quốc muốn chúng ta sa vào. 
Trễ còn hơn không
Giới quan sát nhìn chung đều hoan nghênh việc Liên Hiệp Quốc công bố bản báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Tân Cương, được cho là sẽ có nhiều tác động tích cực, cho dù được đưa ra muộn màng. 
Theo Le Monde, một nhà ngoại giao Châu Âu cho biết rất hài lòng với giọng điệu nghiêm khắc của văn bản, đồng thời giải thích thêm: Nếu tài liệu không được công bố, điều đó sẽ gây ra tai tiếng”. Tờ báo ghi nhận rằng một số nhà ngoại giao giữ niềm tin vững chắc vào Hội đồng Nhân quyền và Cao Ủy Nhân Quyền, cũng như vào bà Michelle Bachelet, “nổi tiếng là một phụ nữ không khoan nhượng”. 
Trong chuyến thăm Trung Quốc, đặc biệt chuyến đi Tân Cương, vào tháng Năm vừa qua, nếu bà đã chỉ trích chính sách của Bắc Kinh ở Tây Tạng và Hồng Kông, thì ngược lại đã tỏ ra rất thận trọng đối với hồ sơ Tân Cương. Cho nên Bachelet đã bị một số  nước phương Tây và các tổ chức phi chính phủ chỉ trích nặng nề.
Với báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tuyên truyền Trung Quốc trở nên rỗng tuếch
Dẫu sao thì bản báo cáo đã được đánh giá cao. Libération cho rằng: “Kể từ nay, không một nơi nào trên thế giới còn có thể nói rằng tôi không biết’ (vấn đề Tân Cương)”. Le Monde thì dẫn lời bà Agnès Callamard, tổng thư ký của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, đánh giá, với bản báo cáo, các “phủ nhận lặp đi lặp lại của Bắc Kinh về nhân quyền ở khu vực Tân Cương càng trở nên rỗng tuếch". 
Trên Le Monde, Sophie Richardson, đặc trách về Trung Quốc của tổ chức nhân quyền HRW, đánh giá những kết luận trong báo cáo “không thể chối cãi được” và cho rằng "Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nên sử dụng báo cáo này để khởi động một cuộc điều tra đầy đủ về tội ác chống nhân loại của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm thiểu số khác”.
Đây cũng là quan điểm của Libération khi cho rằng báo cáo sẽ cấp thêm củi lửa cho các chính phủ phương Tây và các tổ chức phi chính phủ để gây sức ép trên Bắc Kinh, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các thể chế độc tài và dân chủ, vừa bị chiến tranh Ukraina làm cho gay gắt thêm.
Trả lời Libération, Adrian Zenz, nhà nghiên cứu người Đức, người đầu tiên chứng minh việc giam giữ hàng loạt ở Tân Cương vào năm 2018, đã coi cuộc điều tra của bà Michelle Bachelet là “không hoàn hảo, nhưng quan trọng”. Theo chuyên gia này, “Bản báo cáo là một chiến thắng cho chính nghĩa của người Duy Ngô Nhĩ, và đã đến lúc phải hành động”.
Tuy nhiên, theo Le Monde, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, hiểu rõ tình hình tại chỗ, đã lấy làm tiếc về việc tài liệu được công bố một cách muộn màng. Đối với nhân vật này, việc Liên Hiệp Quốc đang làm rõ vấn đề là một điều tốt, và báo cáo là “một trong những cáo buộc nghiêm trọng nhất mà định chế này có thể đưa ra”. Vấn đề là việc công bố “hơi muộn vì Bắc Kinh sắp kết thúc giai đoạn Hán Hóa khu vực.” 
Les Echos: Doanh nghiệp báo động về năng lượng 
Ngoài đề tài Trung Quốc bị Liên Hiệp Quốc công khai tố cáo, nhiều tờ báo đặc biệt chú ý đến các khó khăn về năng lượng bắt đầu gây lo ngại tại Pháp và châu Âu. Rõ ràng nhất là tờ Les Echos, đã nhấn mạnh trong tựa lớn trang nhất: “Năng lượng: Báo động của các doanh nghiệp”
Đối với tờ báo kinh tế Pháp, tình hình rất đáng báo động vì lẽ hóa đơn tiền điện và khí đốt đã tăng lên gấp 10 lần. Trong bài “Đối mặt với quả bom hẹn giờ của hóa đơn năng lượng, các công ty đang cầu cứu Nhà Nước”, Les Echos ghi nhận: “Do không thể gánh chịu được mức giá năng lượng tăng vọt trong các hợp đồng cung cấp mới sẽ phải ký kết trước cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp đang tính đến việc tăng giá đối với khách hàng của họ, thậm chí đình chỉ hoặc giảm bớt các hoạt động của mình. Trong khi chờ đợi, các hiệp hội doanh nghiệp đang kêu gọi Nhà Nước ban hành thêm các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp”. 
Về cách đối phó của chính phủ Pháp, trong bài “Khủng hoảng năng lượng: Kịch bản đen tối của chính phủ”, Les Echos cho biết là chính quyền đã nghiên cứu nhiều kịch bản khác nhau về cú sốc năng lượng. Trong trường hợp xấu nhất, tác động đến tăng trưởng được ước tính là sẽ cao hơn nửa điểm GDP.  
Hội Đồng Quốc Phòng Pháp họp lại vào hôm nay sẽ lập ra danh sách các công ty cần được bảo vệ, không bị bất kỳ biện pháp cúp hay cắt giảm nguồn cung ứng khí đốt và điện năng nào. 
Libération: Liệu có đủ sưởi cho mùa đông? 
Nhật báo Libération cũng dành nguyên hồ sơ chính cho vấn đề năng lượng, với một câu hỏi được đưa thành tựa chính trên trang nhất: “Khủng hoảng năng lượng: Chúng ta sẽ có được một mùa đông ấm áp hay không?”
Tờ báo cũng chú ý đến cuộc họp của Hội Đồng Quốc Phòng mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập hôm nay để bàn về năng lượng, trong bối cảnh Nga cúp nguồn cung cấp khí đốt.  
Điều mà Libération lo ngại là Pháp đang ngày càng bị lệ thuộc vào thời tiết càng lúc càng thất thường và khắc nghiệt hơn, trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân liên tiếp gặp sự cố, phải tạm ngưng hoạt động. 
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn “Phân bổ”, ý muốn nói đến nhu cầu phân bổ công bằng các yêu cầu tiết kiệm nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng, Libération ghi nhận là, vào thời điểm hiện tại, giới có trách nhiệm trong lãnh vực năng lượng có vẻ chưa mấy lo, bất chấp bối cảnh chiến tranh ở Ukraina. Sự phụ thuộc vào khí đốt Nga đã giảm bớt và kho dự trữ đã được hình thành.  
Thế nhưng, đối với tờ báo, nguy cơ chủ chốt hiện nay đến từ thời tiết thất thường, và nếu mùa đông năm nay trở nên khắc nghiệt, viễn cảnh sẽ không lạc quan như dự trù. Nghịch lý là nguyên nhân để lo ngại không dính dáng gì đến cuộc chiến Ukraina và những lời đe dọa của Nga về việc cúp nguồn khí đốt, mà đến từ chính nước Pháp. 
Điểm đáng quan ngại đầu tiên, theo Libération, là tình trạng của các nhà máy điện hạt nhân tại Pháp, với 32 trong số 56 lò phản ứng hiện đang ngừng hoạt động. Mặt khác, Pháp đang bị chậm trễ trong việc sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, mà tất cả các chính phủ trong hai mươi năm gần đây phải chịu trách nhiệm. 
Đối pháp của chính phủ hiện tập trung trong khái niệm tiết kiệm, với lời kêu gọi được gởi đến toàn dân. Thế nhưng, theo Libération, chiến lược này chỉ có hiệu quả nếu đi kèm với một chủ trương phân bố công bằng các hy sinh mà người Pháp phải chấp nhận. Vấn đề là chưa thấy ai quan tâm đến điều này. 
Vấn đề năng lượng cũng được nhật báo La Croix chú ý, nhưng ở cấp độ châu Âu, với hàng tựa lớn trang nhất: “Châu Âu, điện trong tình trạng quá áp”. Theo tờ báo Công Giáo, đà tăng vọt của giá điện đang buộc Liên Hiệp Châu Âu phải xem xét lại cách vận hành của thị trường điện, bị lâm vào tình trạng rất căng thẳng vì cuộc chiến tại Ukraina. 
Le Monde “Sinh thái: những mâu thuẫn của chính phủ” 
Cách thức nước Pháp xử lý vấn đề sinh thái môi trường là chủ đề chính được Le Monde ghi ngày hôm nay quan tâm. Tựa lớn trang nhất của tờ báo ghi nhận “Các mâu thuẫn của chính phủ trên vấn đề sinh thái”. 
Theo Le Monde, buổi hội thảo cấp chính phủ tổ chức ngày 31/08 vừa qua tại điện Elysée, tập hợp hầu như toàn bộ các thành viên nội các, đã được đánh dấu bằng một tham luận không khoan nhượng của nhà khí hậu học Valérie Masson-Delmotte, thành viên nhóm GIEC (hay IPCC), Nhóm Chuyên Gia Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí Hậu, kêu gọi mọi người nhận thức rõ về mối đe dọa của hiện tượng Trái Đất bị hâm nóng. 
Đối với Le Monde, điều đáng lo ngại là chính phủ Pháp hiện nay đang rất chật vật trong việc thực thi chính sách môi trường, vốn đã được nâng lên thành ưu tiên quốc gia. Cuộc tranh cãi mới đây về việc nên hay không nên đưa việc sử dụng máy bay phản lực tư nhân vào khuôn khổ đã minh họa cho các mối căng thẳng trong nội bộ chính phủ về tính chất triệt để của các đề xuất được xem xét. 
Một ví dụ khác được Le Monde nêu bật là sự kiện Ủy Ban Châu Âu đã buộc Pháp phải làm “xanh hơn nữa” phiên bản quốc gia của Chính Sách Nông Nghiệp Chung PAC vừa được xác nhận hôm 31/08. Bruxelles đã phê phán tình trạng thiếu tham vọng về môi trường mà họ nhận thấy trong đề nghị của Paris.

 

Nguồn tin: Trọng Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập110
  • Hôm nay10,758
  • Tháng hiện tại273,920
  • Tổng lượt truy cập35,920,265
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây