7 việc cha mẹ tuyệt đối không được dung túng cho con nếu muốn trẻ thành người

Chủ nhật - 08/07/2018 00:01

7 việc cha mẹ tuyệt đối không được dung túng cho con nếu muốn trẻ thành người

Yêu con là bản tính trời sinh của cha mẹ. Tình yêu này không chỉ bao hàm lý trí và lòng khoan dung mà càng nên có mức độ lỏng chặt, phải vạch ra cho con cái một giới hạn rõ ràng giữa "có thể" và "cấm" để hành vi của chúng tuân theo những quy tắc cần thiết.

Đối với những hành vi dưới đây của trẻ, chúng ta nhất định phải ngăn chặn kịp thời, tuyệt đối không thể nương tay, càng không thể biến khoan dung thành dung túng.

1. Tiện tay "nhặt đồ"

Con cho bạn xem một đôi giầy pha lê tí hon, nói với bạn rằng cháu nhặt được trên nền nhà bạn mình.

Cách làm tiêu chuẩn: Lập tức dẫn cháu đem trả đồ, bắt cháu tự xin lỗi: "Tớ xin lỗi. Tớ đã đem đồ của cậu về nhà chơi. Giờ tớ mang trả lại, mong cậu tha lỗi cho tớ."

Quá trình đem "đồ mượn" trả về chủ của nó sẽ giúp con học được cách dũng cảm nhận lỗi sai.

Khái niệm và ý thức "sở hữu" của trẻ 3-4 tuổi là tự cho rằng thứ mình thích, thứ mình muốn đều là của mình. Đối với chuyện này, bố mẹ tuyệt đối phải dùng thái độ "không có lần sau". Hãy nhớ kỹ câu nói này: "Đừng cho rằng việc tốt nhỏ mà không làm. Đừng cho rằng việc xấu nhỏ thì cứ làm."

2. Không cướp được thì đánh

Các con chơi đùa trên ghế sô pha. Trong đó có một bé cướp chiếc xe ủi đất đồ chơi của bạn, không lấy được, cháu liền cắn vào tay bạn rồi giật lấy món đồ chơi đó.

Cách làm tiêu chuẩn: Tiến sĩ Đổng Tiến Vũ, chuyên gia giáo dục gia đình tại Trung Quốc cho rằng, đối với trẻ cắn bạn, bố mẹ nhất định phải nghiêm túc phê bình để con biết được rằng, hành động cắn bạn là sai, đã làm bạn mình bị đau, bắt buộc phải tự mình xin lỗi.

Đồng thời bạn cũng phải giúp cháu hiểu được rằng, nếu bạn không muốn cho mình mượn đồ chơi thì cháu nên học cách chấp nhận chuyện không như ý muốn đó.

Ngoài phê bình và giảng giải lý lẽ ra, hình phạt nhất định là điều bắt buộc không thể thiếu, đồng thời bạn hãy vỗ về, an ủi bé bị cắn trước mặt con. 

Việc làm đó giúp con hiểu được rằng, đánh người khác không những không giành được thứ mình muốn mà cũng chẳng được lợi gì, bé sẽ có ý thức từ bỏ hành vi hung hăng.

3. Đến giờ ngủ không ngủ

10 giờ tối, đến lúc đi ngủ nhưng con lại đem búp bê và thú bông bày lên giường.

Cách làm tiêu chuẩn: Chỉ lên chiếc đồng hồ treo trên tường, ra hiệu cho con biết đã đến giờ đi ngủ, nói với cháu rằng, đi ngủ đúng giờ mới có thể đảm bảo hôm sau không đến lớp muộn. Không có đứa trẻ nào chủ động đi ngủ, chúng luôn chơi không biết đủ. 

Nếu bố mẹ cho phép nấn ná hết lần này đến lần khác thì sẽ khó hình thành được quy luật nghỉ ngơi và thói quen sinh hoạt tốt. Thế nên, dù con có lấy lý do gì, chúng ta đều phải nghĩ cách từ chối.

4. Thấy đồ chơi là không chịu đi

Ở siêu thị, bạn không đồng ý mua búp bê Barbie nhưng con gái cứ ôm khư khư, dù bạn giải thích thế nào, cháu cũng không buông, còn ngồi phệt xuống nền.

Cách làm tiêu chuẩn: Tỏ rõ thái độ của bạn với con: Hôm nay không mua đồ chơi vì cách đây không lâu mới mua một con búp bê Barbie rồi.

Nếu trẻ không nghe lời, cứ quấy khóc thì đừng ngại mặc kệ cháu, tiếp tục chọn những món đồ cần mua khác hoặc giả vờ bỏ đi để mặc bé ngồi khóc trên nền.

Thỏa hiệp không phải là cách làm thông minh. Nếu "dung túng", trẻ sẽ ngày càng tùy hứng. 

Đợi con bình tĩnh lại, chúng ta có thể dùng cách giảng giải lý lẽ hoặc kể chuyện để giúp con hiểu được rằng, đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện thì được mọi người yêu quý, chứ quấy khóc thì chẳng được lợi gì mà còn bị người khác ghét.

  •  

 

 

5. Vứt đồ lung tung

Trước khi đi ngủ, đứa trẻ 6 tuổi thay quần áo, tiện tay vứt lên bàn, lên ghế, thậm chí một tay áo còn thõng xuống nền.

Cách làm tiêu chuẩn: Nói với con rằng: "Mặc đồ ngủ xong, con cần gấp quần áo của con gọn gàng. Ở trường mầm non, không phải cô giáo cũng yêu cầu các con gấp quần áo của mình gọn gàng sao? Cô giáo còn nói với mẹ, con gấp rất đẹp, có lúc còn gấp giúp bạn nữa. 

Mẹ biết con là đứa trẻ rất ngăn nắp. Nào, mẹ tính giờ nhé. Con có thể gấp xong quần áo trong 3 phút. Bắt đầu thôi." Khi nói những câu này không cần phải cao giọng nhưng nhất định phải nhẹ nhàng mà kiên quyết.

Tiến sĩ Đổng Tiến Vũ, chuyên gia giáo dục gia đình cho rằng, trẻ nhỏ thích nghe lời nói nhẹ nhàng, người mẹ nhấn mạnh những hành động tốt khác sẽ là động lực tốt cho cháu. Việc giám sát lặp đi lặp lại giúp con có thể dần học được cách chăm sóc bản thân và biết tự chịu trách nhiệm.

 

6. Nói dối che giấu sự thật

Trẻ 8 tuổi "múa võ" làm vỡ lọ hoa. Khi mẹ hỏi chuyện này, cháu lại nói là tại con mèo.

Cách làm tiêu chuẩn: khích lệ con nói thật: "Nói cho mẹ biết, rốt cuộc chuyện là thế nào? Làm vỡ lọ hoa không đáng sợ, điều đáng sợ là không dám nhận. Mẹ thích đứa con trung thực, dám chịu trách nhiệm về việc mình làm."

Từ đó, bạn xua tan nỗi lo của con, khích lệ cháu nói ra sự thật, đồng thời ôm lấy con và khen ngợi con ngay lập tức.

Trẻ 6-7 tuổi trở lên biết rõ nói dối là sai nhưng vẫn làm để tránh bị phạt. Nếu bạn tin lời con hoặc cho dù không tin cũng không truy cứu tức là ủng hộ cho thói quen xấu này, vậy thì trẻ sẽ ngày càng lún sâu vào vũng bùn của những nói dối.

7. Nghiện chơi điện tử

Hết giờ chơi điện tử, đứa trẻ 9 tuổi vẫn ngồi trước máy tính không chịu đứng lên.

Cách làm tiêu chuẩn: Thể hiện mức độ khoan dung của bạn với con: "Được rồi. Mẹ cho con thêm 5 phút chơi nốt ván này. Nếu không xong, mai con không được chơi nữa."

Trò chơi điện tử rất dễ gây nghiện, đặc biệt là với trẻ em. Thế nên bố mẹ nhất định phải quy định thời gian chơi điện tử của con. 

Chẳng hạn như mỗi ngày 1 lần trong khoảng nửa tiếng và nghiêm túc yêu cầu con tuân thủ. Quy định mang tính bắt buộc này sẽ dần dần giúp trẻ học được tính kỷ luật và kìm chế bản thân.

Ngoài ra, chuyên gia giáo dục gia đình còn cho rằng, trước thời gian quy định khoảng 5-10 phút, bố mẹ có thể nhắc nhở 1 lần để con chuẩn bị tâm lý, tăng khả năng đứng lên rời khỏi máy tính đúng giờ.


 

 

 

Đừng vội quát mắng, chỉ cần hỏi 8 câu này sau khi con mắc lỗi, trẻ sẽ tự nhận ra sai phạm

 

 

 

Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ có lúc mắc lỗi. Chúng ta thường sợ con hư nên vội chỉ trích lỗi sai của bé và để lỡ mất thời điểm tốt nhất giúp trẻ tự nhận thức. 

Hãy bình tĩnh và đợi con bình tĩnh lại, việc đầu tiên bố mẹ nên làm là hỏi trẻ 8 câu hỏi dưới đây.

1. Đã xảy ra chuyện gì vậy?

Để cho con có cơ hội nói. Đừng nhận định vấn đề theo thói quen, càng đừng vội mắng con té tát.

Trước tiên hãy bình tĩnh nghe con giải thích, đứng trên góc độ của cháu để tìm hiểu sự việc. Hơn nữa để trẻ có cơ hội nói chuyện, cho dù là lỗi của con thì cháu cũng sẽ sẵn sàng nhận sai vì có cơ hội giải thích cho mình.

2. Con cảm thấy thế nào?

Để trẻ nói ra cảm giác của mình.

Sau khi tìm hiểu chuyện đã xảy ra, đừng vội dạy dỗ con ngay. Tác động lên tâm lý của trẻ là cảm nhận chủ quan, không có đúng sai. Nhiều lúc, chúng ta chỉ cần nói lên cảm nhận của mình thôi.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, khi một người xúc động mạnh thì não bộ sẽ khó tiếp nhận kích thích bên ngoài.

Cũng có nghĩa là khi một người còn xúc động, người khác nói gì thì người đó cũng đều không nghe. Luôn phải đợi đến khi họ bình tĩnh lại mới có thể suy ngẫm vấn đề.

Thế nên nếu chúng ta muốn con có thể tiếp thu ý kiến của mình thì cần phải đồng cảm với cháu, để bé nói lên cảm xúc của mình.Sau khi con đủ bình tĩnh, bạn có thể hỏi cháu câu thứ 3.

3. Con muốn thế nào?

Lúc này cho dù trẻ nói ra điều bất ngờ gì cũng đừng hoảng hốt, càng đừng sợ hãi, mà bạn phải bình tĩnh hỏi tiếp câu thứ 4.

4. Vậy con có cách nào không?

Ở giai đoạn này, chúng ta nên tôn trọng lời nói không cần đắn đo của trẻ, tôn trọng ý kiến của bé.

Chúng ta cũng có thể cùng con nghĩ cách, đưa ra lời khuyên và cùng cháu tìm ra cách giải quyết. Như vậy từ đó về sau, mỗi khi gặp phải vấn đề, con sẽ muốn nhờ bạn giúp đỡ.

Khi đợi đến lúc không nghĩ ra được cách gì hơn thì bạn có thể hỏi con câu thứ 5.

5. Hậu quả của những cách này sẽ thế nào?

Để con suy ngẫm và tìm hiểu hậu quả mà cháu sẽ phải nhận sau mỗi cách giải quyết, xem cháu có chấp nhận được hậu quả này không.

Nếu lúc này trẻ không thể suy nghĩ rõ ràng, bố mẹ cần đứng lên giúp con hiểu ra vấn đề, nói cho cháu hiểu hậu quả là gì.

Nhưng ở đây chúng ta nên tránh thuyết giáo, chỉ cần trần thuật sự việc là được.

6. Con quyết định làm thế nào?

Sau khi phân tích mọi tình huống và hậu quả, trẻ cũng biết cân nhắc ưu khuyết điểm mà chọn cách giải quyết có lợi nhất. Hơn nữa, đây cũng thường là lựa chọn hợp lý nhất, thông minh nhất.

Ngay cả khi lựa chọn của con không như mong đợi của mình, bạn cũng phải tôn trọng quyết định của cháu. Nếu bạn nói mà không làm, sợ rằng sau này con sẽ không tin tưởng bạn nữa.

 

Hơn nữa, cho dù trẻ chọn sai, cháu cũng có thể học được bài học quý giá khó quên hơn từ lỗi sai này.

7. Con muốn bố/mẹ làm gì?

Khi con nói ra mình cần bạn giúp đỡ thế nào, bố mẹ nhất định phải ủng hộ tích cực. Sự ủng hộ của bố mẹ là hậu thuẫn vững chắc cho trẻ. Điều này sẽ giúp con thêm tự tin.

Đợi khi sự việc qua đi, hãy hỏi con câu cuối cùng.

8. Lần sau chúng ta nên làm thế nào?

Đợi sự việc qua đi, hãy dành cho con cơ hội nhìn lại chính mình. Đối chiếu lại xem phán đoán và cách giải quyết của mình có hiệu quả không, tăng cường khả năng phán đoán cho bản thân.

Không ít phụ huynh cho rằng, con mình còn nhỏ, không có khả năng giải quyết vấn đề. Trên thực tế, mặc dù con còn rất nhỏ, cháu cũng biết vận dụng một vài sách lược và cách làm để giải quyết vấn đề.

Thế nên sau khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ đừng ngại thử hỏi con 8 câu hỏi trên trước. Luyện tập thêm vài lần, con sẽ có được khả năng tự giải quyết vấn đề, không cần chúng ta phải lo lắng.

Khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề mới là khả năng và của cải quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của con.

Tác giả bài viết: Van Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập47
  • Hôm nay10,791
  • Tháng hiện tại343,402
  • Tổng lượt truy cập32,327,125
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây