Bạn đã làm gì cho các Linh Mục?

Thứ ba - 17/02/2015 09:04

Bạn đã làm gì cho các Linh Mục?

Năm Thánh cầu nguyện “Xin ơn thánh hóa cho các linh mục” đã được khởi đầu như đỉnh cao nhất trong đời sống tâm linh của mọi tín hữu. Quả thật, đây là một đỉnh cao của toàn Giáo Hội, khi đã được nâng lên hàng Năm Thánh cầu nguyện
 

. Rất trang trọng và thật thiêng liêng. Đó đây, đã có giáo xứ làm “slide show” và cả treo những hình ảnh rất lớn và sinh động về Thánh Gioan Vianney, quan thầy các linh mục, ngay trước tiền đường nhà thờ giáo xứ. Tuy nhiên, không ai ngây thơ cho rằng, chỉ cần cầu nguyện trong Năm Thánh, còn trước và sau NămThánh thì không cần cầu nguyện gì nữa.
Nhưng cầu nguyện, không chỉ là đọc kinh suông trơn tuột qua môi miệng, hoặc chỉ là những mơ ước “chay” dâng lên Chúa. Thánh Giacôbê đã dạy một điều quen thuộc:“Đức tin không việc làm là đức tin chết”, cũng thế, cầu nguyện thiếu việc làm thì cầu nguyện ấy chưa hoàn hảo, tất nhiên, không đẹp lòng Chúa.
 
Hành động đúng luôn phải khởi đi từ những suy nghĩ đúng, suy nghĩ đúng phải bắt đầu bằng những hiểu biết đúng.
 
Từ thánh giá đời linh mục…
 
Trong ngày lễ mở tay hay trong nhiều bài suy niệm hoặc giảng thuyết đó đây, người linh mục thường được nghe những lời có cánh đại khái như:
  Từ bụi tro, Chúa đã nâng con lên hàng khanh tướng. Chúa đã chọn con trong muôn người ….
 
Những lời tuyệt vời ấy không sai, khi nói về tình yêu Thiên Chúa đối với tạo vật của mình. Nhưng cách nào đó, các lời ấy, chỉ nói  đến toàn hoa hồng mà chưa nói đến các gai nhọn của hoa hồng là những thập giá của đời linh mục.
 
Quả thật, quá nhiều gian nan thách đố và cả những cô đơn trống vắng trong đời linh mục.
 
  - Linh mục là người làm dâu của trăm họ, rất khó làm vừa lòng mọi người, nếu cố gắng làm vừa lòng mọi người thì rốt cuộc sẽ chẳng vừa lòng ai. Nói chi, ngay trong gia đình chỉ vỏn vẹn có năm, bảy người cùng chung máu mủ còn chưa vừa lòng nhau, huống chi linh mục phải xử sự với hàng trăm hàng ngàn người khác nhau.
 
  - Người ta thường nói: “Bạc như dân, bất nhân như lính”. Câu nói này có thể cũng không sai với đời linh mục. Bao lâu người linh mục còn khỏe mạnh phục vụ cho giáo xứ thì là cha đáng mến đáng trọng. Một khi đau yếu già nua, là gánh nặng, là cái gai thì cần nhổ đi.
 
Nói như vậy có quá đáng không? Trên đời chuyện gì cũng có, vì thực tế đã có quá nhiều chuyện khiến ta phải đau lòng. Giáo dân thường hay quên mất công ơn người linh mục đã làm, chỉ nhìn thấy khuyết điểm để lớn tiếng.
 
  - Người ta dễ nhớ đến một điều sai, nhưng lại hay quên trăm điều đúng mà người linh mục đã làm. Nói về một số linh mục lạm dụng tình dục bên trời Tây đang gây ồn ào trên thế giới, Qua một bài viết, Đức Giám mục Nguyễn Soạn đã nói về điều ấy rằng : Trong cánh rừng, cả  trăm ngàn cây vẫn đang vươn lên sinh động, nhưng khi chỉ có một cây gãy đổ, thì tiếng vang và ầm ào ấy sẽ rất lớn. Ngài không bênh vực biện hộ, nhưng đã chỉ ra một tâm lý thông thường.
 
  - Người linh mục phải là một người khác giữa trăm ngàn người khác. Ngài thiếu và không thể có cái mọi người đã có và đang có thừa. Chiều muộn, Thánh Lễ đã xong, mọi người đã ra về, giáo đường mênh mông, trên Thánh Giá Chúa vẫn thinh lặng. Đêm xuống, nhà xứ im lìm vắng vẻ quạnh hiu. Nỗi cô đơn rất “người” .
 
Những cô đơn ấy càng đậm đặc hơn khi bệnh tật đau yếu. Miếng cơm, viên thuốc, ngụm nước và những chăm sóc theo dõi, làm sao có thể được ân cần như ý, như những người gần gũi máu thịt gắn bó của một gia đình ngoài “thế gian ” thường tình. Lại là một cô đơn khác, rất “người”.
 
Khi về hưu, mắt lòa chân run, muốn về ở với con cháu trông nom, thì cũng cần phải có một số vốn nào đó, tiền còn thì tình còn, tiền hết thì tình cảm cũng ra đi. Lúc ấy, ngài sẽ là gánh nặng rất đau đớn cùng với nỗi cô đơn gậm nhấm buồn phiền như bóng đêm. Lại thêm một cô đơn khác nữa, cũng rất “người”.
 
Ngay cả khi đã về một nhà hưu nào đó, nỗi cô đơn kia vẫn là một ám ảnh thấm thía, làm nặng thêm những cô đơn trông vắng trong khoảng trời riêng, cũng lại thật “người”.
Cái khoảng trống giữa khi làm việc và lúc về hưu  không nhỏ. Khi tại chức làm việc thì “còn duyên”, còn nhiều kẻ cần thiết đón đưa. Khi về hưu, lúc đã “hết duyên” thì thui thủi “đi sớm về trưa một mình”.
 
Toàn là những nỗi cô đơn, luôn luôn rất “người”.
 
Cuối cùng, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói ra, sau khi dâng Thánh lễ mở tay, 5 năm, 10 năm hoặc một thời gian nào đó, người linh mục ngày càng giảm dần cái sốt sắng ban đầu, tính thánh thiêng trong Thánh lễ cũng giảm dần, để biến thành những thói quen nhàm, không còn là DÂNG LỄ, nhưng chỉ là LÀM LỄ với những cử chỉ máy móc hình thức qua lần chiếu lệ. Điều này sẽ thật là tệ hại, và cũng là thánh giá cho chính mình và mọi giáo hữu con chiên. Ngài rất sợ, không muốn điều này chút nào, nhưng đã xảy ra, như thực tế vẫn đang xảy ra, đó đây nhiều lắm.
 
…đến những cái bẫy nơi giáo dân
 
Giáo dân Việt nam, là những người người luôn yêu kính các linh mục rất đặc biệt, nên không ai can đảm dám “giăng bẫy” linh mục.
 
Tuy nhiên, những suy nghĩ và cách cư xử của họ đã trở thành những cái bẫy, tuy vô tâm vô tình nhưng lại thật hiệu quả. Rất nhiều linh mục đã sập những chiếc bẫy ngọt ngào, êm dịu và đầy thú vị này. Kẻ giăng bẫy thì nhiệt tình và rất chân thành. Kẻ lọt bẫy cũng thường được vui lòng thoải mái.
 
  - Thực vậy, để tốt nghiệp và có thể hành nghề, một bác sĩ cần 7 năm học tập và thực nghiệm. Dù thế, vị ấy cũng chỉ tốt nghiệp một khoa nào đó riêng biệt, nếu muốn thực hiện thêm khoa nào khác, phải học thêm lên cao, mất rất nhiều năm. Chưa nói đến cái TÂM và Y đức cần phải được mài dũa, thao luyện và sọi rọi qua từng ca bệnh mỗi ngày.
Người linh mục, như trường hợp bình thường, cũng chỉ được học tập và đào tạo trong 6, 7 năm với các môn chuyên biệt về “đạo”, thêm một thời gian nữa đi giúp xứ, để khi ra trường đạt yêu cầu. Đang khi môi trường “đời” luôn mênh mông muôn mầu và đổi thay hàng ngày đến chóng mặt.
 
Thực tế là như vậy, nhưng không biết từ lúc nào, người giáo dân vẫn coi linh mục luôn là người thông suốt mọi sự, nhất là khi biết các ngài đã được học những môn ghê gớm xa xôi như Thần học, Triết học…     
 
Khởi đi từ suy nghĩ và quan niệm như thế nơi giáo dân, nên linh mục, vị lãnh đạo tinh thần, đã được mời kiêm nhiệm các chức vụ trong nhiều lãnh vực khác nhau, nhiều khi chẳng hợp với chuyên môn và thiếu hẳn kinh nghiệm của các vị ấy như: luật pháp, kinh tế, tâm lý, xã hội…
 
Từ một người chuyên rao giảng lời Chúa, cử hành các bí tích, nay phải đứng ra hòa giải các vụ tranh chấp, kiện tụng. Kỹ sư kiêm đốc công các công trình xây dựng, quân sư về cung cách làm ăn. Ấy là chưa nói linh mục còn phải đảm nhận những chức vụ “ phần đời” nọ kia khác.
 
Người giáo dân quen nhìn linh mục như một kẻ thông suốt mọi sự, “nhiều ơn Chúa”, độ tin cậy cao hơn hẳn mọi người, nên khi mời và được ngài nhận lời thì quả là một vinh dự hiếm có.
 
Nhưng thực tế nhiều trường hợp đã minh chứng rằng, đó chỉ là những cái bẫy ngọt ngào làm người linh mục sụp hố khi bị thua lỗ, hỏng chuyện và thất bại đau đớn, điều ấy đơn giản, vì đó không phải là các chuyên môn của các Ngài.
 
  - Kính trọng linh mục là điều quý và phải có, nhưng các cử chỉ quá khúm núm là điều rất nguy hiểm, vì nó dễ làm cho các linh mục quên đi thân phận bụi tro, cục đất của mình, mình chỉ là một dụng cụ tầm thường trong tay Chúa. Từ cục đất Chúa đã nắn thành tượng bụt, nhưng qua cách cư xử trọng kính quá khúm núm đến mất tự nhiên của giáo dân, đôi khi, người linh mục lại có ảo tưởng rằng mình là ông bụt thật, là cái rún của vũ trụ, rồi từ đó, trở thành quan liêu, độc tài, độc đoán, độc diễn ….
 
Trọng kính theo cái kiểu: “Con xin phép lạy cha ạ”, người nói thì chân thành nhiệt tình, người nghe cũng thấy được vuốt ve êm tai dễ chịu, nhưng đó chính là một cái cái bẫy khác dễ làm mất dần căn tính dẫn đến vong thân đáng tiếc.
***
Như ngọn nến phải bị đốt tan chảy, tiêu hao thì mới cho ánh sáng; cũng thế, người linh mục đang tan chảy từng giờ cho các giáo dân của mình. Ngọn nến kia có thể là lung linh đẹp đẽ, nhưng đôi khi cũng leo lét gây nhiều lo âu. Song, dù lung linh hoặc leo lét thì xin đừng quên, ngọn nến ấy cũng đã cho ta ít nhiều ánh sáng, dù nhiều khi ánh sáng ấy chưa được như lòng mong ước.  Và ngọn nến ấy đang tàn dần, như chính chúng ta cũng đang tàn dần theo từng giờ khắc.
 
  “Bạc là dân, bất nhân là lính”, câu nói ấy không phải lúc nào cũng đúng và đúng với tất cả mọi người. Xin đừng BẠC, xin đừng BẤT NHÂN với ngọn nến đã ít nhiều soi sáng cho mình, cho gia đình mình trong xứ đạo trong thời gian nào đó.
 
Thân phận con người là mỏng dòn hạn chế, điều này ai cũng biết.
 
Đừng bắt ai là Thiên Thần, đang khi chính mình vẫn chỉ là NGƯỜI, để xét nét phê bình hoặc chê bai cao giọng.
 
Quan hệ giữa giáo dân và người linh mục không phải lúc nào cũng êm trôi xuôi chảy, đã có nhiều trục trặc trở ngại thật buồn.
 
Nhưng tất cả những ai đã từng xúc phạm cách này cách khác với người linh mục, sau đó, đều thấy hối tiếc không vui và rất lấy làm xấu hổ.
 
Một vị thức giả đã nói: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Một câu nói đầy minh triết bao dung của một tâm hồn cao đẹp. Câu nói ấy cũng có thể đổi thành:
  “Đừng hỏi linh mục đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi rằng, bạn đã làm gì cho người linh mục hôm nay”.
 
Cụ thể rằng, bạn đã đi thăm những linh mục hưu dưỡng chưa, và được mấy lần? Bạn có băn khoăn và nghĩ gì về một ngọn nến đã hoặc đang soi sáng trong xứ đạo của mình.
 
Chỉ mới nghĩ vậy thôi, đã có người phải rơi nước mắt.
 
Xin được dùng câu nói in đậm trên kia để thay cho phần kết bài này, và đây cũng là dịp may để nói với chính mình trước hết. 
 


Con Xin Làm Kiếp Phù Sa

https://www.youtube.com/watch?v=HVjEr_3eI_Y


Tác giả bài viết: Xuân Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay5,032
  • Tháng hiện tại125,570
  • Tổng lượt truy cập34,758,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây