Khi con rồng Ấn Độ cho con rồng Trung Quốc hít khói

Thứ bảy - 14/02/2015 09:48

Khi con rồng Ấn Độ cho con rồng Trung Quốc hít khói

Những ngày đầu của tháng 2.2015 đang chứng kiến một bước ngoặt lớn trong bức tranh tổng thể của kinh tế thế giới, đồng thời cũng là bước ngoặt trong biểu đồ tăng trưởng của kinh tế Châu Á, khi Ấn Độ đã chính thức qua mặt nền kinh tế số một Châu Á là Trung Quốc về mức độ tăng trưởng.

Con rồng Trung Quốc đang bắt đầu bay thấp hơn và chậm hơn, trong khi con rồng Ấn Độ giờ đây mới bắt đầu giai đoạn thăng hoa nhất trong cuộc hành trình của mình. Nhưng để bay cao hơn nữa, con rồng Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với không ít vũ môn.

 

Giới phân tích và các chuyên gia trên thế giới đang đi hết từ cú sốc này đến cú sốc khác, nếu như cách đây vài ngày là việc Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch làm tiền các tập đoàn nước ngoài bằng cách đưa ra những đe dọa pháp lý, thì ở thời điểm hiện tại cú sốc lại đến từ tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong năm vừa qua. 
Ngân hàng trung ương Ấn Độ vừa đưa ra con số cho sự tăng trưởng của nước này trong năm 2014, theo đó Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng 7,5%, vượt khá xa so với kỳ vọng và dự đoán của các chuyên gia. Đồng thời nó cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn, khi Ấn Độ đã chính thức vượt qua Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng; được coi như bước khởi đầu của sự chênh lệch giữa đồ thị phát triển của hai cường quốc kinh tế Châu Á, khi đồ thị phát triển của Ấn Độ đang theo chiều đi lên, còn Trung Quốc đang theo chiều đi xuống.

 

Điều này đã được các chuyên gia dự báo từ cách đây nhiều năm, khi Ấn Độ mở cửa sau Trung Quốc hơn 10 năm và vì thế khoảng thời gian phát triển cao độ nhất của nước này cũng sẽ chậm hơn Trung Quốc chừng đó thời gian. Nhưng sở dĩ nó gây bất ngờ là vì nó đến sớm hơn dự kiến. Ngân hàng thế giới WB dự báo Ấn Độ cần ít nhất là 2 năm nữa để chính thức vượt qua Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng, chính phủ Ấn Độ cũng dự báo mức tăng trưởng năm 2014 chỉ khoảng hơn 6,5%, chính vì thế việc chỉ số này nhảy vọt lên tới 7,5% đã khiến tất cả hết sức bất ngờ.

 

Các chuyên gia cho rằng, sự nhảy vọt này là kết quả của những biến động của kinh tế thế giới trong năm vừa qua, chủ yếu là do tình trạng suy trầm của kinh tế thế giới trong đó các nền kinh tế lớn nhất như Trung Quốc, EU tăng trưởng chậm lại. Trong bối cảnh đó các nhà đầu tư cần chọn lựa điểm đầu tư thuận lợi nhất, và Ấn Độ đang xếp đầu bảng trong danh sách các lựa chọn tối ưu ở thời điểm hiện tại. 
Kinh tế Ấn Độ đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh nhất, khi tính đến năm 2014 dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ sẽ chạm mốc 800 triệu, tương đương với Trung Quốc vào năm 1993, được coi là thời điểm vàng để phát triển kinh tế. Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là giai đoạn giữa những năm 1990, và giờ đây Ấn Độ cũng đang trong thời điểm tốt nhất để làm điều tương tự.

 

Sự suy trầm đột ngột của kinh tế thế giới trong năm 2014, vì thế đã góp phần khiến sự hứa hẹn của kinh tế Ấn Độ nổi bật hơn bao giờ hết, dòng thoái vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi tháng từ Trung Quốc phần lớn đang chảy về Ấn Độ. Lượng FDI tăng vọt trong quý 4 năm 2014 chảy sang từ Trung Quốc này chính là một trong những yếu tố mấu chốt đẩy cao tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2014. 
Làn sóng giảm phát đang lan tràn và đe dọa các nền kinh tế lớn khắp thế giới ở thời điểm hiện tại cũng đang vô tình trở thành đồng minh cho Ấn Độ, khi nó giúp giảm mức lạm phát của nền kinh tế nước này vốn đang là vấn đề chính mà New Delhi đang phải đối mặt. Việc Ấn Độ đạt được một mức lạm phát vừa phải cũng đang là điều kiện hoàn hảo để phát triển kinh tế trong giai đoạn vàng của mình. 
Làn sóng giảm phát trên thế giới đang giúp điều chỉnh mức lạm phát, dòng đầu tư nước ngoài khổng lồ từ Trung Quốc đang tràn sang, và dân số đang trong giai đoạn vàng với 800 triệu người ở độ tuổi lao động, Ấn Độ đang hội tụ đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa để bứt phá trên con đường phát triển kinh tế.

 

Sự phát triển bền vững có quy hoạch bài bản cũng đang khiến Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trên con đường phát triển kinh tế về lâu dài, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đang chờ đợi New Delhi phía trước. Các bang của Ấn Độ đang có sự khác biệt về trình độ phát triển và mức độ quyền lực.
Điều này khiến cho tầm ảnh hưởng của các giải pháp phát triển kinh tế tổng hợp của chính phủ Ấn Độ không đồng đều ở từng bang, đồng thời đặc điểm xã hội phân chia theo đẳng cấp của đất nước đông dân thứ 2 thế giới này cũng đang khiến cho sự linh hoạt xã hội và năng suất lao động chưa đạt mức cao nhất có thể.

 

Về lâu dài, một mô hình chính quyền liên bang trong đó quyền lực được tập trung về trung ương như Mỹ đang là cái đích mà các nhà lãnh đạo của Ấn Độ hướng đến. Nó sẽ giúp bảo tồn sự đa dạng văn hóa và truyền thống của mỗi bang Ấn Độ, đồng thời sẽ giúp chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. 
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, một chính phủ trung ương tập quyền là một yếu tố cần thiết để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, như ở Trung Quốc hay Nhật Bản, và nếu Ấn Độ làm được điều này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nó sẽ còn cao hơn nhiều.

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập85
  • Hôm nay17,530
  • Tháng hiện tại238,758
  • Tổng lượt truy cập35,505,039
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây