Nạn trục lợi... lì xì đầu độc tâm hồn trẻ thơ

Thứ ba - 17/02/2015 09:09

Nạn trục lợi... lì xì đầu độc tâm hồn trẻ thơ

Tục lì xì ngày càng biến tướng, bị biến thành những trò hối lộ, trục lợi mà trẻ em là những nạn nhân chính. Lì xì, hay mừng tuổi, là một phong tục đẹp đẽ mang ý nghĩa cầu mong may mắn, hạnh phúc đến trong năm mới. Thế nhưng gần đây tục lệ này đang bị nhuốm màu tiêu cực, trở thành gánh nặng của nhiều người
Câu chuyện chàng rể Tây bị “thuốc”

K., một chàng trai Mỹ qua Việt Nam lấy vợ và sinh sống tại Sài Gòn. Gần đây, nhân khi trao đổi với tôi về một số đề tài văn hóa, phong tục Việt Nam, anh chàng mới thử dò hỏi về phong tục lì xì. Gần tết rồi nên K. muốn biết thường người ta lì xì những đối tượng nào và lì xì khoảng bao nhiêu thì đúng với... giá thị trường. Khi nghe tôi giải thích, anh chàng ngớ người. Quan trọng nhất là K. nhận ra tết năm ngoái mình bị bên nhà vợ “thuốc” cho một trận cháy túi. Lỗi chính ở đây là do anh không biết tiếng Việt.

K. kể năm ngoái hai vợ chồng anh về quê vợ ở miền Tây để đi chúc tết mới (K. mới cưới vợ ngay trước tết). Lạ một điều là đi đến đâu họ hàng bà con cũng bắt anh lì xì mà phải từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng. K. tốn khá nhiều tiền nhưng người ta bảo đó là phong tục nên anh ráng chịu đựng. Mà K. cũng chẳng hiểu sao cô vợ là người dịch cho anh lại mặc kệ để anh chịu trận như vậy!? Có lẽ cô vợ muốn giựt le với họ hàng chăng?

Thế đấy, đáng lẽ tết mới vợ chồng K. được họ hàng lì xì thì anh lại bị “móc túi” ngược. Từ một phong tục tốt đẹp, người ta đã bóp méo để trục lợi, xâu xé. Hình ảnh quê vợ trong mắt chàng trai nước ngoài đã bị hoen ố làm sao lấy lại được. Tôi và K. đã kết thúc câu chuyện trong những cái lắc đầu và thở dài ngán ngẩm!

Đầu độc tâm hồn trẻ thơ

Trẻ em thời nào mà chẳng háo hức mong đến tết để được lì xì. Ngày xưa cuộc sống khó khăn, những món lì xì có khi chỉ là viên kẹo, cái bánh nhưng ý nghĩa của nó không hề nhỏ. Trẻ con chúng tôi khi ấy nhận những viên kẹo từ người lớn với một thái độ rụt rè, trân trọng. Chúng tôi để dành kẹo trong túi chứ đâu dám ăn ngay. Mà khi ăn cũng không dám ăn hoang, chỉ mút mút chứ chẳng mấy khi dám cắn.

Hồi ấy tiền lì xì phổ biến là những đồng xu, đồng hào mệnh giá rất nhỏ. Những ngày tết đường làng ngõ xóm nhộn nhịp hẳn lên vì từng nhóm trẻ em rủ nhau chơi đánh đáo bằng tiền xu vừa được lì xì. Chơi chán thì mới lấy tiền xu mua kẹo dồi, kẹo lạc ăn. Đi đường thi thoảng cứ thò tay vào túi nghịch cho tiền va vào nhau leng keng, nghe thật thích!

Tôi nhớ ông nội tôi có rất nhiều loại tiền xu từ thời Pháp thuộc để lại. Phổ biến là loại xu có lỗ, ông lấy dây xỏ thành từng xâu và cất kỹ trong chiếc tráp. Tết đến ông lấy chúng ra lì xì cho lũ cháu. Loại tiền xu này dù không còn tiêu được nhưng chúng tôi thích phải biết, khoái nhất là dùng để chơi đánh đáo. Thực ra thì ông quá nghèo, không có loại tiền đang lưu hành nên mới phải lấy những đồng tiền hết “đát” đó mà lì xì. Ngày ấy chưa có những nhà sưu tập tiền cổ, cũng chưa có phong trào chơi tiền cổ như hiện nay nên những đồng xu này thực ra là chẳng có một chút giá trị gì. Dù vậy ý nghĩa “mừng tuổi” và cách mừng tuổi của ông nội với tuổi thơ chúng tôi thật quý giá biết bao.

Càng nhớ về những đồng xu lì xì ngày xưa bao nhiêu thì càng buồn cho những bao thư dày cộp ngày nay bấy nhiêu.

Ngày nay người ta lợi dụng tục lì xì để trục lợi nhan nhản. Nếu có việc cần cậy nhờ mà khó đưa hối lộ, cứ biến nó thành bao lì xì đưa cho con của sếp là xong ngay. Có lẽ đây là cách đưa hối lộ “hợp pháp” nhất, người đưa cũng chẳng lo bị gài bẫy mà người nhận cũng chẳng mảy may ngại ngần.

Trong những ngày tết, cảnh thường thấy là khi đến nhà ai chúc tết, một đám trẻ đang chơi ở nhà sau thấy có khách vào là chúng túa lên phòng khách như để vòi tiền. Đến khi nào khách chịu móc ví ra thì chúng mới xuống dưới. Thái độ nhận tiền lì xì của những đứa trẻ cũng thật phản cảm. Khách vừa chìa bao lì xì ra nó đã nhanh tay giựt lấy. Thậm chí chúng còn bóc bao ra xem ngay trước mặt khách.

Thậm tệ hơn, nhiều bậc cha mẹ còn chủ động xúi con mình qua nhà bác Hai, cô Ba “cắm chốt” để ké tiền lì xì vì bác Hai, cô Ba làm lớn, có nhiều khách sộp. Nhiều khi khách đi chúc tết méo mặt vì gặp nhà tụ tập đông trẻ con.

Những đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi tự nhiên có người cho nó một cục tiền, rồi lại ngạc nhiên vì sau đó bị cha mẹ chúng tịch thu lại? Những tâm hồn trẻ thơ liệu có trong sáng nổi khi chúng bị người lớn bày cho quá nhiều trò trục lợi? Chính người lớn là thủ phạm đầu độc thế hệ con cháu của mình.

 

 

Tác giả bài viết: Hoàng Mạnh Hà

Nguồn tin: (Pháp luật TP.HCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại280,302
  • Tổng lượt truy cập35,546,583
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây