Khi trẻ cảm thấy tồi tệ nhất, đây là việc các ông bố bà mẹ đều nên làm

Thứ năm - 29/03/2018 00:49

Khi trẻ cảm thấy tồi tệ nhất, đây là việc các ông bố bà mẹ đều nên làm

Thật khó khăn để bạn có thể ôm con vào lòng khi chúng phạm lỗi. Bạn sợ nếu làm vậy thì bạn đã vô tình cổ xúy cho việc làm không đúng của con nên thay vào đó, bạn nhìn con với một khuôn mặt nghiêm nghị và đưa ra những hình phạt.

Nhưng hãy nghĩ tới những ngày tồi tệ bạn đã từng trải qua. Những ngày đó, bạn càu nhàu với nửa kia của bạn về những thứ chẳng đâu vào đâu và thứ bạn cần chỉ là một cái ôm hay một chút thoải mái để giảm bớt căng thẳng.

Liệu bạn đã từng yêu cầu một cái ôm chưa? Nếu đã từng thì bạn và bạn đời là những người cởi mở trong giao tiếp. Nếu bạn chưa từng, hãy nghĩ xem tại sao. Có thể là do lý trí bạn quá mạnh mẽ. Cũng có thể là bạn đã quá tức giận và vẫn đang dè chừng, đề phòng.

Những người làm cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ nhỏ - nhóm đối tượng có thùy trán trước (bộ phận có chức năng lớn trong việc lập kế hoạch và đưa ra quyết định) vẫn đang phát triển thường gặp khó khăn trong việc giữ bình tĩnh khi căng thẳng.

Do đó, cha mẹ hay người chăm sóc hãy giúp trẻ bắt đầu hình thành những cách ứng phó tích cực để kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa

Đề nghị ôm hay đưa ra sự cam đoan bằng lời nói không đồng nghĩa với việc bạn cổ xúy cho hành vi của con mà chỉ là bạn đang giúp chúng bình tĩnh lại để có thể lắng nghe bạn tốt hơn.

Từ một cái ôm nho nhỏ của bạn, đứa trẻ có thể cảm nhận được rất nhiều thông điệp:

"Con là cả thế giới đối với cha mẹ."

"Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, cha mẹ vẫn yêu con."

"Cha mẹ biết con đang học hỏi và vì thế nên cha mẹ ở đây để giúp con."

"Con không hề cô đơn."

"Cha mẹ biết hiện tại việc này đối với con khó khăn tới nhường nào."

"Cha mẹ hiểu cảm nhận của con."

"Cảm xúc không quyết định con là ai."

"Lỗi lầm cũng không quyết định bản thân con là người thế nào."

"Cha mẹ muốn giúp con học những điều mới mẻ."

"Con hãy tin cha mẹ."

Khi bạn tiếp tục cho con thấy rằng chúng không hề "xấu" ngay cả khi chúng làm sai, nhận thức của chúng sẽ thay đổi. 

Chúng sẽ không cảm thấy rối loạn, bế tắc hay hành động theo một cách tồi tệ nào đó và có thể tự trấn tĩnh mình tốt hơn khi nhận ra "Mình vẫn rất đáng yêu và mình có thể làm tốt".

 

Khi chúng đang ở trong trạng thái bình tĩnh và sẵn sàng sẻ chia, chúng sẽ dễ tiếp nhận và xử lý thông tin chúng ta cung cấp, đồng thời học cách cư xử mới một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nếu giữa chúng ta và con cái có sự chia sẻ, thấu hiểu, con cái sẽ tôn trọng chúng ta hơn và muốn làm mọi việc tốt hơn.

Ảnh minh họa.

Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã được truyền thụ kinh nghiệm rằng phải nghiêm khắc, phải phạt khi con mắc lỗi nên việc thay đổi cách nuôi dạy con cái có thể rất khó khăn.

Tuy nhiên, việc này là cả một quá trình lâu dài chứ không phải ngày một, ngày hai mà thành. Cũng cần phải lưu ý rằng cách chúng ta nhìn nhận hành động của con sẽ tác động tới việc chúng ta sẽ phản ứng thế nào.

Vì thế, khi tức giận với con, hãy nghỉ ngơi một chút, chia sẻ cảm xúc của bạn với người bạn tin tưởng và đừng quên tự ôm chính mình. Nuôi dạy con cái là cả một cuộc hành trình, và tất cả chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau trong chuyến hành trình ấy.

 

 

 

4 câu dọa con thường bố mẹ nào cũng nói - hãy coi chừng hậu quả!


 

 

Quá trình nuôi dạy con của các ông bố, bà mẹ châu Á thường ít nhiều gắn bó với một vài lời "nói dối" được cho là mang mục đích tốt. Hầu hết các bậc phụ huynh đều nghĩ rằng, dùng đôi câu "thổi phồng sự thật" vì muốn tốt cho con cũng không phải là vấn đề gì to tát.

Tuy nhiên, điều ít ai nghĩ đến là những lời ấy trong mắt cha mẹ có thể chỉ là một vài câu nói quá, nhưng suy nghĩ non nớt của con trẻ lại dễ dàng coi đó là sự thật. Suy cho cùng, những lời nói dối ấy đều mang bản chất trái với sự thật, chúng giống như những "viên thuốc độc bọc đường" làm tổn hại tới tinh thần và sự trưởng thành của trẻ.

Vì vậy, trước khi con trẻ có nhận thức đúng đắn về thế giới xung quanh mình, dù giận tới đâu cha mẹ cũng không nên nói ra những câu dọa nạt sai lầm dưới đây.

Câu nói sai lầm thứ nhất: "Nếu con không nghe lời, chú cảnh sát sẽ bắt con đi!"

Cách đây không lâu, dư luận Trung Quốc không khỏi xôn xao trước thông tin một bé gái bị đi lạc cương quyết không cho cảnh sát cứu hộ vì… sợ bị bắt đi!

Trước tình huống ấy, người cảnh sát bất đắc dĩ chỉ còn cách cởi áo khoác cảnh phục của mình xuống để trấn an cô bé và đưa em tới nơi an toàn để tìm bố mẹ.

Trong mắt nhiều người, đây có lẽ là một câu chuyện có phần hài hước. Nhưng nguyên nhân sâu xa về nỗi sợ đối với cảnh sát của cô bé kia lại bắt nguồn từ câu bông đùa cửa miệng của không ít các bậc phụ huynh: "Không ngoan sẽ bị cảnh sát bắt đi!"

Đừng biến những người khoác trên mình bộ cảnh phục trở thành nỗi ám ảnh của con trẻ. (Ảnh minh họa).

Ở bất kỳ quốc gia nào, cảnh sát cũng luôn là hóa thân của chính nghĩa, là đại biểu cho những người đáng tin cậy và được nhắc tới như biểu tượng của sự an toàn.

Thế nhưng, nhiều gia đình lại vô tình biến cảnh sát thành một hình tượng đem ra để dọa nạt con trẻ, từ đó khiến các bé đem lòng sợ hãi và không tin tưởng với những người khoác trên mình màu áo cảnh phục.

Biến cảnh sát thành "sói xám" trong mắt trẻ em không những làm bóp méo hình tượng của họ mà còn khiến các em đem lòng sợ hãi chính những người bảo vệ công lý. Nếu trong các tình huống nguy hiểm giống như cô bé trong câu chuyện kia, sự sỡ hãi của trẻ em đối với cảnh sát hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân khiến các em từ chối sự giúp đỡ của họ.

Cho nên, dù bạn có bực tức tới đâu, xin đừng dùng cảnh sát, công an ra dọa nạt con trẻ. Bởi những câu nói ấy rất có thể sẽ đẩy các em về phía nguy hiểm.

Câu nói sai lầm thứ hai: "Nếu con không nghe lời, bố/mẹ sẽ mách thầy/cô giáo"

Trong cuộc đời của con trẻ, những người làm nghề giáo tựa như những người cha, người mẹ thứ hai và là kim chỉ nam cho cuộc đời của các em.

Bởi vậy, các bậc cha mẹ nên hiểu rõ rằng, thầy cô không phải kẻ địch của học sinh, mà họ vừa là người dẫn đường và cũng là người bạn đáng tin cậy của các em.

Thầy cô là những người dạy dỗ và dìu dắt con em của chúng ta chứ không phải là những "công cụ" trừng phạt. (Ảnh minh họa).

Lúc con em chúng ta gặp phải vấn đề, thầy cô sẽ là một trong những người giúp các em đưa ra phương án giải quyết. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện cho các bé thân cận và tín nhiệm người dạy mình.

Cũng bởi thầy cô không phải là những người trừng phạt, nên không cần đem hình tượng của nhà giáo ra để răn đe trẻ em. Khiến con trẻ càng sợ hãi và xa cách với thầy cô giáo cũng đồng nghĩa với việc bắt các em phải trưởng thành trong sự cô đơn.

Câu nói sai lầm thứ ba: "Con không học hành cẩn thận, sau này chỉ có thể đi nhặt rác mà thôi!"

Trẻ em là những cô bé, cậu bé có suy nghĩ hết sức đơn thuần và hiền lành. Cho nên phán đoán cũng như cách nhìn nhận của các em đối vố cuộc sống phần lớn đều ảnh hưởng từ thái độ của người trưởng thành.

Do đó, việc dùng hình tượng những người nhặt rác như một cách để đốc thúc các em học hành không phải là một ý kiến hay, vì điều đó sẽ khiến các em ít nhiều nảy sinh cảm giác "coi thường" nghề nghiệp này.

Kỳ thực, tất cả nghề nghiệp trong cuộc sống của chúng ta vốn chẳng phân biệt cao thấp hay sang hèn. Chỉ cần là người dùng đôi bàn tay của mình để làm ra tài sản một cách chân chính thì đều rất đáng quý.

Chỉ cần là lao động chân chính và lương thiện thì bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần nhận được sự tôn trọng. (Ảnh minh họa).

Bởi mọi nghề nghiệp đều có những điều tốt đẹp riêng, nên các ngành nghề đều cần sự bình đẳng. Và để trở thành một con người nhân văn, con em của chúng ta cần là người hiểu rõ hơn ai hết về sự bình đẳng ấy.

 

Thay vì làm con suy nghĩ tiêu cực về những người lao động vất vả, bạn nên nói với con rằng: "Mọi người lao động trên thế giới đều rất vĩ đại, vì họ làm cho trái đất của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn!"

Câu nói sai lầm thứ tư: "Con không nghe lời sẽ bị mang đến bệnh viện để bác sĩ tiêm!"

Trong lời nói của nhiều bậc cha mẹ, những lương y mặc áo blouse trắng đôi khi vô tình bị biến thành hóa thân của nỗi sợ hãi trong mắt con trẻ.

Thế nhưng, bệnh viện vốn là nơi chăm sóc người bệnh chứ không nên trở thành chỗ để chúng ta đem ra dọa nạt con trẻ để các em chán ghét nơi này, thậm chí là sợ hãi các bác sĩ.

Biến bác sĩ và bệnh viện thành hình tượng để dọa dẫm chỉ có hại cho con cái của bạn. (Ảnh minh họa).

Việc đem bác sĩ và bệnh viện ra để răn đe trẻ sẽ khiến các em mang tâm lý sợ hãi, thậm chí còn trở thành nỗi ám ảnh tâm lý.

Nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói này, các em sẽ hình thành thói quen giấu bệnh để không phải đến gặp bác sĩ. Điều này đối với sức khỏe con em chúng ta chỉ có hại chứ không hề có lợi.

Đọc đến đây, liệu các bậc làm cha, làm mẹ còn cho rằng những "lời nói dối ngọt ngào" mà mình hay dùng với con trẻ vốn là thứ vô hại nữa hay không?

Tác giả bài viết: Thanh Van

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập36
  • Hôm nay9,270
  • Tháng hiện tại126,756
  • Tổng lượt truy cập35,049,238
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây