Bị thua trên chiến trường Ukraina, Putin đe dọa chiến tranh nguyên tử

Chủ nhật - 25/09/2022 08:46
tải xuống (1)
tải xuống (1)
Các chiến binh Ukraina kiểm tra các xe bọc thép Nga bị bỏ lại tại thành phố Izyum thuộc Kharkiv vừa được tái chiếm, ngày 20/09/2022.
Các chiến binh Ukraina kiểm tra các xe bọc thép Nga bị bỏ lại tại thành phố Izyum thuộc Kharkiv vừa được tái chiếm, ngày 20/09/2022. REUTERS - GLEB GARANICH
 

Vội vã cho « trưng cầu dân ý » tại những vùng tạm chiếm, Nga muốn đưa ra tối hậu thư : hoặc Ukraina rút lui, hoặc chiến tranh hạt nhân. Nếu vậy mai đây, các cường quốc nguyên tử có thể xâm lăng một vùng đất, giả vờ tổ chức bỏ phiếu và đe dọa ngày tận thế đối với quốc gia bị xâm chiếm ! Các phương pháp thời Stalin cũng đã quay lại ở Ukraina.

Tình hình sôi bỏng ở Ukraina được các nhật báo Pháp hôm nay chú ý bàn luận. Các báo đều cho rằng những diễn biến mới đây là một sự leo thang quan trọng, với mối đe dọa vũ khí nguyên tử. Có thể tóm lược : Ngày 20/09, hai « nước cộng hòa » thân Nga ở Luhansk và Donetsk thuộc vùng Donbass loan báo trưng cầu dân ý, vài giờ sau đến lượt Kherson và Zaporijia. Kênh RT hoan nghênh, Medvedev cho rằng nhằm tái lập « công bằng lịch sử ». Hôm nay thì tổng thống Nga ra lệnh động viên quân dự bị, nhưng báo giấy chỉ kịp bình luận về động thái gọi là « trưng cầu dân ý ».

Một dạng « tối hậu thư » của Nga cho Ukraina và phương Tây

Trên báo Le Monde, trong bài «Những vùng lãnh thổ Ukraina do Nga kiểm soát thông báo tổ chức trưng cầu dân ý như một dạng tối hậu thư », nhà phân tích Tatiana Stanovaya nhận định: « Đây là một tối hậu thư của Nga cho Ukraina và phương Tây. Hoặc là Ukraina rút lui, hoặc là chiến tranh nguyên tử ». Tố cáo Nga « bắt bí do nỗi sợ bại trận », chánh văn phòng tổng thống Ukraina Andry Iermak cam đoan sẽ không lùi bước. Ông nói : « Ukraina sẽ giải quyết vấn đề Nga. Mối đe dọa phải được triệt tiêu bằng sức mạnh ».

Trước đó, năm 2014 Matxcơva đã sáp nhập Crimée cũng bằng « trưng cầu dân ý ». Đến ngày 21/02/2022, Nga chính thức công nhận Donetsk và Luhansk độc lập, và ba ngày sau, quân Nga tràn sang xâm lăng Ukraina. Les Echos nhắc lại, vài ngày trước cuộc « trưng cầu dân ý » ở Crimée năm 2014, những nhà đối lập hiếm hoi đã biến mất một cách bí ẩn và chưa bao giờ tái xuất hiện.

Tatiana Kastoueva-Jean, chuyên gia của IFRI nhấn mạnh, lần này truyền hình khó thể trưng ra những dòng người xếp hàng trước phòng phiếu như Crimée « tại những vùng đất sát tiền tuyến, trung tâm những cuộc đấu pháo giữa hai bên, mà một phần lớn cư dân phải chạy trốn. Hơn nữa, quân Nga không kiểm soát hoàn toàn các khu vực hành chánh này ». Nga chỉ giành được phần lớn Kherson, hai phần ba Donbass và phân nửa Zaporijia. Ngoài ra, kết quả sẽ không được ai công nhận, ngoại trừ Syria và Bắc Triều Tiên. Ngay cả « bạn vàng » Trung Quốc cũng ngày càng bực bội vì những rối loạn kinh tế do cuộc xâm lăng Ukraina gây ra.

Có bom nguyên tử là có thể xâm lược và đe dọa « tận thế » ?

Sự vội vã này cho thấy các nhà lãnh đạo những vùng đất thân Nga đang vô cùng lo lắng trước nguy cơ lực lượng Nga sụp đổ trong vài tuần tới, buộc họ phải bỏ chạy sang Nga. Cũng theo Kastoueva-Jean, quân đội Ukraina chừng như sẽ cố tái chiếm tối đa lãnh thổ từ nay đến 27/09, và Hoa Kỳ có thể giao hỏa tiễn tầm xa cho Kiev. Ván bài có thể là con dao hai lưỡi cho Matxcơva nếu Kiev chiếm lại được Donbass và Crimée không còn là bất khả xâm phạm.

Nhật báo kinh tế cho rằng Kremlin đã làm đảo lộn ý nghĩa của vũ khí nguyên tử từ sau Hiroshima - chỉ sử dụng để bảo vệ sự tồn tại, chứ không phải để sáp nhập một lãnh thổ mới chiếm được vài tháng trước. Mai đây, Nga hoặc các cường quốc nguyên tử khác có thể xâm lăng một vùng đất, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo và đe dọa ngày tận thế đối với quốc gia bị xâm chiếm.

Thua trên chiến trường, Matxcơva tìm cớ để viện đến vũ khí hạt nhân

Trong bài xã luận mang tựa đề « Cái cớ », La Croix nhận định cần phải cảnh giác trước một chế độ thất bại. Sau khi bị đánh bại hàng loạt trên chiến trường từ ba tuần qua, Nga không thể không phản ứng. Quân đội của họ không có khả năng tìm lại được ưu thế, trừ phi cầu viện đến các phương tiện phi quy ước.

Nhưng làm thế nào biện minh cho việc dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật trong một cuộc xâm lăng ? Chỉ cần hóa phép thành một cuộc chiến tự vệ chính đáng. Hôm qua khi loan báo tổ chức trưng cầu dân ý lập tức tại Donbass và nhiều vùng của Ukraina, phe thân Nga chuẩn bị cho một sự leo thang. Cuộc bỏ phiếu dự kiến từ 23 đến 27/09 nhằm hoàn tất việc sáp nhập vào Nga, và kết quả thì không có gì phải nghi ngờ.

Dù không ai có thể tin vào một cuộc bầu cử ở khu vực đang có chiến sự tổ chức trong một thời gian ngắn ngủi như thế, nhưng có hề gì, Vladimir Putin cần một cái cớ. Dimitri Madvedev, người từng đổi vai tổng thống với Putin và đang là một trong những cái loa tuyên truyền lớn nhất, không hề giấu diếm : « Xâm phạm lãnh thổ Nga là một tội cho phép chúng tôi sử dụng tất cả phương tiện phòng vệ hợp pháp ». Tuy chỉ mới là khiêu khích bằng ngôn từ, nhưng cần phải hết sức thận trọng, vì từ hơn 20 năm qua Kremlin không hề tự kềm chế trong việc sử dụng vũ lực. 

Tình cảnh ở vùng biên giới vừa giải phóng

Trên thực địa, đặc phái viên Le Monde theo chân lực lượng Ukraina tại Kharkiv vừa được giải phóng, nhận thấy « Tình hình hỗn loạn ở Prokhody sau khi quân Nga rút chạy ». Xa lộ từ Kharkiv đến Matxcơva chạy qua những khu rừng, hai bên là các nhà hàng và quán cà phê, nay bị đạn pháo và xe tăng cày nát, làng mạc bị tàn phá. Thị trưởng thân Nga đã bỏ chạy sang Matxcơva vài ngày trước khi cuộc chiến khởi động. Andri, chiến binh lữ đoàn phòng vệ số 113 vốn là nhà buôn giàu có, trở về nhà cũ trong làng, phát hiện tủ lạnh, tủ sách quý giá, xe máy cày, xe hơi...đều đã biến mất, ly tách ngổn ngang chứng tỏ quân chiếm đóng rút đi một cách vội vã.

Ivan Nivikov, chỉ huy lữ đoàn phòng vệ số 227 cho biết khi quân giải phóng đến, dân làng cứ ngỡ là quân Nga tới thay phiên. Đã có đến bốn đơn vị chiếm đóng khác nhau, từ quân ly khai Donbass đến lính Daghestan, tất cả đều ra đi với những tài sản thâu tóm được. Họ kinh ngạc khi được phép đi lại tự do, lúc đó mới chắc chắn là lực lượng Ukraina.

Sự tàn bạo kiểu Stalin lại tái diễn ở Ukraina

Nhà sử học Thierry Wolton khẳng định trên Le Figaro « Tại Ukraina, Hồng quân và các phương pháp của Stalin đã quay lại ». Hình ảnh những xác người khai quật từ những ngôi mộ phát hiện sau khi giải phóng Izyum, được phủ lên tấm vải liệm trắng, gây sững sờ cho những chứng nhân lịch sử.

Khu rừng đã trở thành nghĩa địa, những thi thể xếp hàng, dấu vết của những kẻ sát nhân để lại nơi nạn nhân, tất cả gợi nhớ vụ thảm sát Katyn năm 1941. An ninh Liên Xô đã giết chết và chôn tập thể hàng ngàn sĩ quan và giới tinh hoa Ba Lan trong khu rừng này. Đã hẳn không cùng bối cảnh cũng như tầm cỡ, và nạn nhân cũng vậy - một số thường dân Ukraina chết vì bom trong khi các nạn nhân Ba Lan ở Katyn bị lạnh lùng bắn thẳng vào đầu. Những xác chết ở Izyum còn hơn cả những bài diễn văn hùng hồn và việc ngụy tạo lịch sử.

Tại Izyum cũng như Katyn, không có « tên phát-xít » nào bị trừ khử cả, nhưng rõ ràng ông chủ điện Kremlin đưa nước Nga trở thành người kế thừa Liên Xô của Stalin. Tội ác Katyn bị Matxcơva chối bỏ cho đến khi Liên Xô sụp đổ, tức nửa thế kỷ sau sự kiện. Phải chăng cần chờ đợi thêm nhiều thập niên nữa, chế độ Putin mới chịu nhìn nhận những tội ác mới ở Ukraina ?

Mệnh lệnh từ cấp cao nhất

Nhưng vấn đề chính là lính Nga ngày nay cũng tuân lệnh từ trên cao như thời xưa. Vụ thảm sát Katyn do Stalin đích thân thông qua, trong một tài liệu tối mật ngày 05/03/1940, và một ngày nào đó cựu sĩ quan KGB sẽ phải trả lời về những tội ác chiến tranh ở Ukraina.

Thảm sát thường dân không phải là dấu ấn duy nhất của quá khứ. Quân Nga còn lập ra những trại thanh lọc tại vùng chiếm đóng như thời Stalin. Khi rút chạy, lính Nga không quên mang theo những gì cướp được như nữ trang, tiền bạc, thực phẩm, đồ điện tử gia dụng; cũng giống như Berlin tháng 6/1945, các quân nhân Anh tiếp quản doanh trại Spandau đã bị Hồng quân tháo gỡ hết giường tủ, bóng đèn, tay nắm cửa, robinet. Nếu quân Nga bị tố cáo hãm hiếp ở Bucha, thì năm 1945 hàng trăm ngàn phụ nữ Berlin cũng đã bị cưỡng hiếp bởi những người lính của Stalin - đến thủ đô nước Đức hai tháng trước quân đội đồng minh.

Đối với Putin, thời kỳ Stalin thể hiện sức mạnh, vinh quang và trật tự, các tội ác không được tính đến. Và như vậy vẫn có thể tái diễn, nhất là khi tội trạng của Hồng quân chưa bao giờ bị cộng đồng quốc tế lên án sau 1945.

Thất bại trước Kiev, Putin bị đồng minh coi thường

Le Monde tìm cách lý giải thái độ của Matxcơva qua bài « Vladimir Putin bị mất đi ảnh hưởng ». Địa chính trị vốn tàn nhẫn một khi tỏ ra những dấu hiệu yếu kém. Đạo quân xâm lược của Vladimir Putin vừa thất bại chua cay trên chiến trường Ukraina, phải rút lui khỏi Kharkiv. Tại Samarcande (Uzbekistan), các đồng nhiệm ngần ngại không muốn ủng hộ. Ông chủ điện Kremlin cam đoan lưu ý đến những « quan ngại » của Tập Cận Bình. Và với Narendra Modi - người đã nói thẳng rằng « không phải là thời điểm cho chiến tranh » - thì hứa hẹn cuộc chiến sẽ kết thúc « càng sớm càng tốt » - trước khi nói ngược lại với báo chí Nga sau đó.

Những khó khăn của Matxcơva ở Ukraina không ai là không nhìn thấy. Tuy thủ tướng Armenia Nikol Pachinian đã đòi hỏi áp dụng điều 4 của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) trong cuộc đối đầu với Azerbaijan, nhưng Putin chỉ đề nghị hai bên ngưng bắn. Những ngày gần đây, khi Kyrgyzstan và Tadjikistan xung đột đẫm máu, lời kêu gọi giải quyết bất đồng « hoàn toàn bằng phương pháp hòa bình » - ngược hẳn những tuyên bố hung hăng với Kiev - cho thấy những hạn chế của OTSC, mà Matxcơva vốn có tham vọng làm người bảo đảm an ninh cho không gian hậu xô-viết.

Điều mỉa mai là thông qua hiệp ước cóp theo NATO được áp dụng lần đầu ở Kazakhstan, việc quân Nga can thiệp để đè bẹp biểu tình vào đầu năm nay không cản trở được tổng thống Kassym-Jomart Tokaiev giữ khoảng cách với Matxcơva, xích lại gần Bắc Kinh trước sự ve vãn của Tập Cận Bình. Trong gần 15 năm, từ khi đưa quân vào Gruzia, Vladimir Putin liên tục can thiệp vào Syria, Libya, và ảnh hưởng Nga lớn dần tại châu Phi. Nhưng những thất bại ở Ukraina, sự lớn mạnh không ngờ tới của NATO từ cuộc chiến này, khoảng cách lớn lao với lợi thế nghiêng về Trung Quốc và sự tách rời lâu dài khỏi Tây Âu vì trừng phạt, buộc Putin quay trở lại với thực tại đắng cay.

Ban Ki Moon : Không thể trung lập với Nga

Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon khẳng định trên Le Monde « Trung lập trước Nga là không thể bênh vực được, cả về đạo đức lẫn pháp lý. Ông cho biết mới đây đã đi thăm Kiev với tư cách phó chủ tịch tổ chức phi chính phủ The Elders, trực tiếp chứng kiến những bằng chứng thảm sát ở Bucha và Irpin. Nhà cựu ngoại giao nhấn mạnh, Ukraina xứng đáng có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của quốc tế.

Chuyên gia : Pháp nên viện trợ xe tăng và giúp huấn luyện quân Ukraina

Về phía Pháp, chuyên gia về an ninh châu Âu Pierre Haroche cho rằng Paris nên gởi cho Kiev khoảng 50 xe bọc thép và huấn luyện các quân nhân Ukraina. Chiến thắng thần tốc ở Kharkiv đã đánh tan những ngờ vực về năng lực của Ukraina lâu nay, cho thấy sự hỗ trợ của phương Tây có thể giúp sớm kết thúc chiến tranh với phần thắng nghiêng về Kiev. Trong khi viện trợ Pháp được ước tính là 233 triệu euro, Hoa Kỳ đã giúp đến 25 tỉ euro, Anh 4 tỉ, ngay cả những nước nhỏ như Estonia và Latvia cũng hỗ trợ nhiều hơn Pháp.

Có thể hiểu được sự do dự của Paris, vì kho vũ khí hạn chế, phải lo bổ sung. Tuy nhiên về mặt quân sự, những vũ khí hạng nặng như đại bác Caesar mới tạo được sự khác biệt trong một cuộc chiến dữ dội như vậy, còn lực lượng Pháp ở Sahel chỉ cần vũ khí nhẹ. Về ngoại giao, ủng hộ quá ít sẽ làm hại cho uy tín của Pháp trước các đối tác nhất là Đông Âu, làm tăng thêm lời đồn đãi là Paris có thái độ nhập nhằng thậm chí đồng lõa với Matxcơva. Về kỹ nghệ, cho dù với cái nhìn lợi ích cục bộ, việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina là một sự đầu tư hữu ích. Trước mắt, uy lực của đại bác Caesar trên chiến trường là một sự quảng cáo hiệu quả cho xuất khẩu vũ khí, được quân đội Litva và Tây Ban Nha rất quan tâm.

Về lâu về dài, sau cuộc chiến này quân đội Ukraina có thể trở thành một trong những lục quân mạnh nhất châu Âu, họ sẽ mua những vũ khí mà người lính đã quen sử dụng. Và hiện Kiev đã chuyển sang tấn công, rất cần xe tăng nhưng Mỹ và Đức đang do dự, đây là cơ hội để Pháp tặng các chiến xa thế hệ thứ ba Leclerc, vốn được chế tạo nhằm đối đầu với quân Nga trong chiến tranh lạnh. Còn gì ý nghĩa hơn, khi những chiến sĩ giải phóng tiến vào các thành phố tạm chiếm trên những chiến xa mang tên vị thống chế Pháp nổi tiếng ?

 
   

Nguồn tin: Thụy My

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập53
  • Hôm nay10,988
  • Tháng hiện tại193,956
  • Tổng lượt truy cập32,660,481
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây