Tại Đại Hội đồng LHQ, Mỹ tố Nga vi phạm hiến chương, Ukraine kêu gọi trừng phạt Nga

Thứ bảy - 24/09/2022 04:54
unnamed (4)
unnamed (4)

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York ngày 21/9/2022.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 21/9 tố cáo Nga hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách “liều lĩnh” và “vô trách nhiệm” và nói rằng Moscow đã vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của tư cách thành viên Liên hiệp quốc bằng cách xâm lược Ukraine.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, ông Biden đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã khơi mào một cuộc chiến vô cớ mà khoảng 40 nước thành viên Liên hiệp quốc đang giúp Ukraine chiến đấu thông qua tiền tài trợ và vũ khí.

Trước đó trong cùng ngày 21/9, ông Putin đã ra lệnh huy động người Nga sang Ukraine chiến đấu và đưa ra lời đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, điều mà NATO gọi là một hành động tuyệt vọng “liều lĩnh” của Nga khi đối mặt với thất bại.

Ông Biden nói: “Một lần nữa, chỉ trong ngày hôm nay, Tổng thống Putin đã công khai đe dọa hạt nhân chống lại châu Âu, một cách liều lĩnh, coi thường nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành.”

Ông Biden cho biết không ai đe dọa Nga, mặc dù Moscow tuyên bố ngược lại, và rằng chỉ có Nga tìm kiếm xung đột. Ông Biden đã nhân cuộc họp ở Liên hiệp quốc để nhấn mạnh quan điểm của mình rằng Moscow đã vi phạm các giá trị của Liên hiệp quốc.

“Một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã xâm lược nước láng giềng của mình, cố gắng xóa một quốc gia có chủ quyền khỏi bản đồ. Nga đã vi phạm một cách đáng xấu hổ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên hiệp quốc”, ông Biden nói.

“Cuộc chiến này rõ ràng nhằm dập tắt quyền tồn tại của Ukraine như một nhà nước và quyền tồn tại của Ukraine với tư cách là một dân tộc. Dù bạn ở đâu, sống ở đâu, bất cứ điều gì bạn tin, điều đó sẽ ... khiến bạn cảm thấy sốc.”

Phái bộ của Nga tại Liên hiệp quốc đã không hồi đáp yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Biden. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đang ở New York để tham dự cuộc họp của Liên hiệp quốc, một phó đại sứ của Nga tại Liên hiệp quốc có mặt trong phòng họp khi ông Biden phát biểu.

Cạnh tranh để gây ảnh hưởng

Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang cạnh tranh với Nga về ảnh hưởng ngoại giao. Hoa Kỳ thừa nhận rằng một số quốc gia lo ngại cuộc chiến Ukraine đã thu hút sự chú ý của toàn cầu khỏi các cuộc khủng hoảng khác.

Washington lâu nay cũng cạnh tranh quyền lực với Bắc Kinh.

“Xin phép thẳng thắn về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong lúc chúng tôi quản lý các xu hướng địa chính trị đang thay đổi, Hoa Kỳ sẽ tự ứng xử như một nhà lãnh đạo biết lý lẽ,” ông Biden nói.

“Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi không tìm kiếm Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ hay bất kỳ đối tác nào khác,” ông nói.

Biden cũng kêu gọi Trung Quốc rút lai việc đình chỉ hợp tác song phương với Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán về khí hậu sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan.

Ông nói: “Hoa Kỳ sẽ làm việc với mọi quốc gia, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ngoại giao khí hậu không phải là một ân huệ cho Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác và việc quay lưng đi sẽ gây tổn hại cho toàn thế giới”.

Ông Biden đã công bố 2,9 tỷ đô la Mỹ tài trợ bổ sung để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, xây dựng trên 6,9 tỷ đô la tài trợ an ninh lương thực Hoa Kỳ đã cam kết trong năm nay.

Hoa Kỳ đã tăng cường tập trung vào an ninh lương thực kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đại dịch COVID. Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn và các chuyến hàng đã bị gián đoạn do chiến tranh.

Ông Biden đã bác bỏ những lời phàn nàn của Nga rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm tổn hại đến xuất khẩu của họ, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ rõ ràng cho phép Nga xuất khẩu thực phẩm và phân bón và nhấn mạnh chính “cuộc chiến của Nga đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực”.

Ông cũng kêu gọi các nước không tích trữ ngũ cốc trong khi còn rất nhiều người đang đau khổ: “Ở mọi quốc gia trên thế giới, cho dù có vấn đề gì khác chia rẽ chúng ta đi chăng nữa, một khi các phụ huynh không lo được cho con cái ăn uống đầy đủ thì chẳng có gì khác là quan trọng hơn.”

Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc tích trữ ngũ cốc. Dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc vào cuối niên vụ 2021/22 được Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ước tính là 323,5 triệu tấn, hơn phân nửa tổng số 602,9 triệu của toàn cầu. Hoa Kỳ, nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, ước tính dự trữ thấp hơn nhiều, chỉ ở mức 57,5 triệu tấn.

Ông Biden cũng thúc đẩy việc gia hạn một thỏa thuận do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7, cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu thực phẩm và phân bón ở Biển Đen. Nga khiến người ta lo ngại về việc liệu thỏa thuận sơ khởi kéo dài 120 ngày đó có tiếp diễn hay không.

Cùng ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Liz Truss nhất trí rằng hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy sự cần thiết của các đồng minh tiếp tục hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, văn phòng bà Truss cho biết.

“Hai nhà lãnh đạo lên án những tuyên bố hiếu chiến gần đây của ông Putin về Ukraine”, phát ngôn viên của bà Truss cho hay sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai người.

Phát ngôn viên cho biết trong cuộc gặp diễn ra tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “chấm dứt sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia độc tài về các chuỗi cung ứng năng lượng, công nghệ và sản xuất.”

“Họ đồng ý tăng gấp đôi nỗ lực song phương nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và tăng lượng năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác từ các quốc gia dân chủ”, phát ngôn viên này cho biết thêm.

Phát biểu trực tuyến trước Liên hiệp quốc hôm 21/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói tội ác đã được thực hiện chống lại quốc gia của ông và Kyiv không muốn gì hơn ngoài những trừng phạt đối với Nga.

Ông Zelenskyy đưa ra những gì ông mô tả là năm điều kiện không thể thương lượng cho hòa bình, bao gồm trừng phạt hành động xâm lược của Nga, khôi phục an ninh, bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.

   

Nguồn tin: Reuters

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập93
  • Hôm nay24,836
  • Tháng hiện tại295,130
  • Tổng lượt truy cập32,761,655
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây