Washington cảnh báo sẽ áp thêm biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva nếu Nga sáp nhập các tỉnh ở Ukraine. "Chúng tôi cùng đồng minh và đối tác sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Nga nếu họ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch sáp nhập. Những cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và phá hoại nền tảng của Hiến chương Liên Hợp Quốc", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 23/9. Quan chức Nhà Trắng không cho biết chi tiết về những biện pháp cấm vận tiếp theo, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và duy trì viện trợ an ninh cho nước này, đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ không công nhận những vùng lãnh thổ được Moskva sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý. Thư ký báo chí Jean-Pierre họp báo tại Nhà Trắng hồi tháng 5. Ảnh: Reuters. Bốn tỉnh Ukraine do Nga kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần là Donetsk, Lugansk ở miền đông cũng như Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam đang bỏ phiếu gia nhập Nga từ 23/9 đến 27/9. Chính phủ Ukraine chỉ trích đây là những cuộc trưng cầu dân ý dàn dựng, nhấn mạnh diễn biến này sẽ không thay đổi chủ quyền quốc gia và quân đội "có mọi quyền giải phóng các vùng lãnh thổ và sẽ tiếp tục làm điều đó". Tổng thống Zelensky kêu gọi thế giới lên án động thái này. Ukraine cũng cho rằng các cuộc trưng cầu dân ý sẽ phá hủy cơ hội đàm phán hòa bình với Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói việc sáp nhập vào Nga là vấn đề do người dân tại các tỉnh của Ukraine tự quyết. Nhiều quan chức cấp cao của Nga bày tỏ ủng hộ hoạt động này. Trong cuộc họp báo ngày 23/9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói tiến trình gia nhập Nga của các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass và hai tỉnh khác của Ukraine "sẽ diễn ra khá nhanh" nếu dân cư tại đây bỏ phiếu ủng hộ động thái này. Ông Peskov trả lời "tất nhiên" khi được hỏi liệu những nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại các khu vực trên sau khi sáp nhập có bị Nga coi là tấn công vào lãnh thổ hay không. 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine. Đồ họa: DW. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây áp loạt lệnh trừng lên Moskva, nhằm vào các lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, dầu mỏ và khí đốt. Nhiều tỷ phú Nga bị các nước phương Tây tịch thu tài sản, trong khi công dân nước này bị siết chặt thủ tục cấp visa tới châu Âu. Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Áo, hôm 9/9 cho biết phương Tây tới nay đã áp đặt "mức kỷ lục 11.000 lệnh trừng phạt với Nga". Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trước đó tuyên bố lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan chiến sự Ukraine đã "thất bại" trong việc phá hoại ổn định tài chính của Moskva. Để đáp trả đòn trừng phạt từ phương Tây, Nga cũng cắt giảm cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Âu, đồng thời công bố nhiều biện pháp hạn chế trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. |
Nguồn tin: Vũ Anh (Theo Reuters)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn