Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 08/10/2022 08:53
Trong tháng rồi, quân đội Ukraine đã đẩy lùi quân Nga và tái chiếm nhiều vùng lãnh thổ
"Chân lý đứng về phía chúng ta và chân lý là sức mạnh!" Vladimir Putin bùng nổ trước micro trên Quảng trường Đỏ vào tuần trước, sau một buổi lễ lớn mà trong đó ông tuyên bố bốn vùng lớn lãnh thổ Ukraine thuộc về Nga. "Thắng lợi sẽ thuộc về chúng ta." Nhưng thực tế, mọi thứ có vẻ rất khác. Ngay cả khi Tổng thống Nga ký hiệp ước sáp nhập bất hợp pháp tại Điện Kremlin, lực lượng Ukraine vẫn tiến vào các khu vực mà ông vừa thôn tính. Hàng trăm nghìn trai tráng đã trốn khỏi Nga thay vì nhập ngũ đi chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài. Và mọi thứ trên chiến trường đang diễn ra tồi tệ đến nỗi Putin và những thân tín của ông giờ đang phải điều chỉnh lại những gì họ từng tuyên bố là "phi phát xít hóa" Ukraine và bảo vệ những người nói tiếng Nga trong một cuộc chiến sống còn chống lại toàn bộ "tập thể" phương Tây. Đó là sự thật và không có gì đứng về phía Nga.
Nạn nhân chính hệ thống của mình
"Ông ta đang ở trong vùng mù. Có vẻ như ông ta không thực sự nhìn thấy những gì đang xảy ra", biên tập viên của Riddle Russia, Anton Barbashin, lập luận về tổng thống Nga. Giống như nhiều người khác, nhà phân tích chính trị này tin rằng ông Putin đã hoàn toàn mất cảnh giác trước sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây dành cho Kyiv, cũng như sự phản kháng quyết liệt của Ukraine đối với việc xâm lược. Khi bước sang tuổi 70 hôm nay (ngày 7/10), sau hơn 20 năm cầm quyền, có vẻ như nhà lãnh đạo Nga đã trở thành nạn nhân của chính hệ thống của mình. Phong cách chuyên quyền của Putin đang ngáng chân ông ta tiếp cận với tình báo chuẩn xác. Tatyana Stanovaya, người đứng đầu công ty phân tích R.Politik, giải thích: "Bạn không thể hoài nghi ý tưởng của ông ta". "Tất cả những ai làm việc với Putin đều biết bức tranh của ông ấy về thế giới và Ukraine. Họ biết những kỳ vọng của ông ấy. Họ không thể cung cấp cho ông ấy những thông tin mâu thuẫn với tầm nhìn của ông ấy. Đó là cách mọi thứ hoạt động". Bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Nga, được đưa ra dưới những chiếc đèn chùm mạ vàng của Điện Kremlin, tái hiện lại tầm nhìn của ông về một trật tự thế giới mới. Bài phát biểu nói về một nước Nga hùng mạnh, một phương Tây co rúm buộc phải học hỏi sự kính trọng và Kyiv một lần nữa, phải khuất phục trước Moscow. Để đạt được điều đó, Ukraine là chiến trường được ông Putin lựa chọn. Ngay cả khi tham vọng của ông ta có vẻ hão huyền nhất, Putin có vẻ sẽ không thu lại những tham vọng này. "Nhiều tính toán lớn mà Điện Kremlin đang thực hiện đã không thành công và có vẻ như Putin không có Kế hoạch B nào, ngoài việc tiếp tục đẩy người lên chiến tuyến và hy vọng rằng những chênh lệch số lượng sẽ ngăn Ukraine tiến xa hơn," Anton Barbashin nhận định.
Chiêu quân miễn cưỡng
Việc "đẩy người lên tiền tuyến" đã là một sự thay đổi đáng kể. Vladimir Putin tiếp tục gọi cuộc xâm lược của mình là một "hoạt động quân sự đặc biệt" - coi là có giới hạn về phạm vi và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Nhiều người Nga đã có thể chấp nhận điều đó - thậm chí ủng hộ - khi mà nó không ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Nhưng việc huy động quân dự bị đã biến một cái gì đó xa vời và trừu tượng thành một nguy cơ rất sát sườn và mang tính cá nhân. Các chính trị gia trong nước đang đuối sức trong một cuộc chạy đua theo kiểu Liên Xô để vượt mức hạn ngạch của mình, kêu gọi càng nhiều quân dự bị càng tốt. Anton Barbashin nói: "Đây là khoảnh khắc định hình. Đối với đa số người Nga, cuộc chiến chỉ mới bắt đầu vài tuần trước." "Trong những tháng đầu tiên, những người tử trận chủ yếu đến từ các vùng ngoại vi và các trung tâm nhỏ hơn. Nhưng việc huy động cuối cùng sẽ thay đổi điều đó, khi quan tài sẽ được đưa về Moscow và St Petersburg."
Tình trạng 'đơn giản là khủng khiếp'
Lệnh động viên đã tạo ra hàng loạt bàn tán trên mạng xã hội từ các bà vợ và mẹ của những tân binh - những người không vội chạy đến biên giới khi lệnh động viên được phát động. Một số bài viết của họ - và video do chính những người đàn ông thực hiện - tiết lộ tình trạng tồi tệ: thực phẩm nghèo nàn, vũ khí cũ kĩ và thiếu nguồn cung y tế cơ bản. Những người phụ nữ thảo luận về việc gửi băng vệ sinh miếng để lót giày và băng vệ sinh dạng que để băng bó vết thương cho họ. Thống đốc khu vực Kursk đã mô tả tình trạng ở một số đơn vị quân đội "đơn giản là khủng khiếp", thậm chí là thiếu đồng phục. Những tiết lộ như vậy đã dội bom vào một trong những tuyên bố đầy tự hào nhất của Vladimir Putin: rằng ông đã xây dựng lại quân đội Nga thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp mà ở đó những công dân yêu nước sẽ muốn phục vụ. Nhưng hiện tại, hầu hết vợ của các tân binh dường như tập trung vào việc ủng hộ quân đội của họ. "Chúng ta đang ở giai đoạn mà một bộ phận đáng kể trong xã hội Nga vẫn tin rằng 'Nga là một cường quốc đối đầu NATO ở Ukraine' và gửi băng vệ sinh, tất và bàn chải đánh răng cho những người được huy động là một dấu hiệu của lòng yêu nước", Anton Barbashin viết trong một bài đăng trên Twitter trong tuần này.
Kiểm duyệt sụp đổ
Nhưng tình trạng lộn xộn trong việc huy động quân dự bị và sự lúng túng về quân sự của Nga đang khiến nhiều nhân vật nổi tiếng hơn phải lên tiếng. Những người theo chủ nghĩa tự do lên án cuộc xâm lược Ukraine, họ đã bị bắt và nhiều người vẫn ngồi sau song sắt. Thậm chí họ gọi nó là một cuộc chiến là phi pháp. Tuy nhiên, trong giới "pro-Kremlin" (ủng hộ Điện Kremlin), từ này giờ đã trở nên phổ biến, cũng đã chỉ trích gay gắt đối với bộ chỉ huy quân sự của Nga. Nghị sĩ Andrei Kartapolov là người mới đây nhất trong tuần này thúc giục Bộ Quốc phòng "ngừng dối trá" về những khó khăn của Nga, bởi vì "người dân của chúng tôi còn lâu mới ngu muội".
Nhiều người Nga đã chạy trốn qua biên giới với Kazakhstan khi có lệnh bắt đầu nhập ngũ trong hai tuần qua Margarita Simonyan, biên tập viên kênh truyền hình RT, trích dẫn thói hành quyết các tướng lĩnh "hèn nhát" và "bất tài" của Stalin. Nhưng không có câu hỏi công khai nào về cuộc xâm lược, chứ đừng nói đến Vladimir Putin. Margarita Simonyan gọi ông ta là "lãnh tụ" và ánh mắt trở nên đờ đẫn khi nói về việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine như một thành tựu lịch sử. "Không có phong trào chính trị phản chiến", Tatyana Stanovaya chỉ ra, đặc biệt là trong một bầu không khí chính trị đàn áp. "Mặc dù những người chống lại cuộc huy động cũng đang chọn cách trốn thoát. Một số cố gắng rời khỏi đất nước, những người khác đang lẩn trốn. Nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ nỗ lực tạo ra sự phản kháng chính trị nào." Bà nói, điều này có thể thay đổi nếu Nga tiếp tục thua và miễn cưỡng huy động thêm quân. "Putin phải mang lại một số thắng lợi."
'Thánh' chiến với phương Tây
Ngay cả Tổng thống Putin cũng ám chỉ về vấn đề này trong tuần này, mô tả tình hình ở các khu vực được sáp nhập là "bất ổn". Nhưng có một sự thúc đẩy to lớn trong việc đổ lỗi cho sự thất bại của Nga lên đầu "tập thể" phương Tây đang hậu thuẫn cho Ukraine. Những người dẫn chương trình của các kênh truyền thông nhà nước hiện đang mô tả việc chiếm đất ở Ukraine là một điều gì đó to tát hơn, dường như đang thúc đẩy quốc gia này tham gia một cuộc chiến quy mô lớn hơn. "Đó là cuộc chiến của chúng ta với chủ nghĩa Satan thuần túy", Vladimir Solovyov nói với người xem tuần này. "Đây không phải là về Ukraine. Mục đích của phương Tây rất rõ ràng. Thay đổi chế độ và đánh bại Nga, để Nga không còn tồn tại", ông nói. Đó là "chân lý" mà Vladimir Putin tin tưởng và đó là lý do tại sao thời điểm yếu đuối khách quan này đối với nước Nga cũng là thời điểm rủi ro. "Cuộc chiến này là sống còn đối với Nga và vì vậy đối với Putin, chiến thắng là điều có thể xảy ra", Tatyana Stanovaya lập luận. Và "ông ấy có vũ khí hạt nhân", bà nói thẳng thừng.
"Tôi nghĩ ông ấy hy vọng rằng ở một mức độ leo thang hạt nhân nào đó, phương Tây sẽ rời bỏ Ukraine." Bà Tatyana Stanovaya không phải là người duy nhất lưu ý giọng điệu quyết liệt hơn, gần như là đấng cứu tinh của Putin. Anton Barbashin nói: "Có cảm giác như đây là điều mà ông ấy thực sự tin tưởng: rằng đây là sự chống trả cuối cùng của Đế chế Nga, một cuộc chiến toàn diện với phương Tây," Anton Barbashin nói. "Chúng ta đang gần đến đích, dù Nga có làm được hay không." Tất nhiên, đó cũng là "chân lý" mà Vladimir Putin giờ đây cần phương Tây tin tưởng hơn bao giờ hết.