Ba Lan muốn Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân

Thứ năm - 06/10/2022 10:05
unnamed (2)
unnamed (2)

Tổng thống Ba Lan Duda nói đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO nhằm chống lại đe dọa từ Nga.

"Vấn đề trước hết là chúng tôi không sở hữu vũ khí hạt nhân. Luôn tồn tại cơ hội tiềm năng để tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân. Chúng tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo Mỹ để xem liệu nước này có đang cân nhắc khả năng đó hay không. Chủ đề này đang mở", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói trong cuộc phỏng vấn được công bố trên tạp chí Gazeta Polska hôm nay.

Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Ngoài ra, chương trình có thể bao gồm những hoạt động như cung cấp máy bay hộ tống hoặc máy bay trinh sát để thực hiện sứ mệnh hạt nhân.

Trong số ba cường quốc hạt nhân của NATO là Pháp, Anh và Mỹ, chỉ có Mỹ thực hiện chia sẻ hạt nhân. Bỉ, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy nằm trong số các đồng minh có vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ của họ.


Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Brussels, Bỉ, hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters.

Ba Lan gần đây đã tăng cường chi tiêu quốc phòng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, giới chức nước này tới nay chưa đề cập tới việc theo đuổi vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe.

Ba Lan cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán riêng với một số quốc gia, trong đó có Mỹ, về việc mua lại năng lượng nguyên tử.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 21/9 nói rằng Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại "vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ". Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev sau đó khẳng định nước này có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần và cảnh báo của Tổng thống Putin không phải "lời đe dọa suông". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần này cho biết Nga ủng hộ "cách tiếp cận cân bằng", không dựa trên cảm tính để sử dụng vũ khí hạt nhân.

Giới chức phương Tây và Ukraine đều cho rằng phải xem xét cảnh báo từ lãnh đạo Nga "một cách nghiêm túc", đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ có thể được sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ.

 

Vị trí Ba Lan và Nga. Đồ họa: DW.

Vị trí Ba Lan và Nga. Đồ họa: DW.

 

 

Nguồn tin: Ngọc Ánh (Theo Bloomberg)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập32
  • Hôm nay10,198
  • Tháng hiện tại243,550
  • Tổng lượt truy cập35,889,895
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây