Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an, cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, mỗi người đã nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC để công ty này trúng thầu cung cấp thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (xây mới).
Không biết có phải fans của Đen vâu không nhưng hai vị cựu quan chức trên đã rất nghiêm túc thực hiện lời khuyên Mang tiền về cho vợ.
Sau khi nhận tiền từ tay cô em gái nương tựa, hai trai ngoan Đồng Nai đã yêu cầu Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai “tạo mọi điều kiện” để AIC trúng thầu.
Ông Vũ cũng ăn được một khoản tiền tương đương với hai đại ca của mình, có phần nhỉnh hơn vì ông là người trực tiếp sắp xếp, điều chỉnh danh mục thiết bị đầu tư cho bệnh viện, làm việc với cơ quan thẩm định giá, chuẩn bị hồ sơ đưa những công ty ma vào đấu thầu giả, để bảo đảm AIC trúng thầu trong một quy trình thoạt nhìn thì hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ.
Ông Trần Đình Thành không nổi tiếng lắm trong quá trình làm quan chức ở tỉnh Đồng Nai, mặc dù quan trường của ông rất đáng nể: liên tiếp hai nhiệm kỳ liền, suốt 10 năm ngồi chắc ở ghế Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh rất “dữ”.
Dữ vì nó giàu. Doanh nghiệp đổ đống ở các khu công nghiệp, khu chế xuất của Đồng Nai, tiền cống nạp nứt bụng quan tham. Thế nhưng do nằm sát bên TP HCM quá hoành tráng nên mọi sự soi mói của công quyền, báo chí và dư luận đều trút hết vào đô thị lớn nhất nước này. Còn Đồng Nai, trong hình dung chung của xã hội vẫn là một tỉnh lẻ đang phát triển, còn nửa tỉnh nửa quê, ngổn ngang và thô tháp. Nó được hưởng lợi từ sự quên lãng của thông tin nên nếu các quan anh kheo khéo ngậm miệng thì cứ mặc sức ăn tiền. Miễn đừng tạo ra các cú nổ thu hút quá nhiều dư luận thì ăn đến mấy đời sau chưa hết.
Miếng bánh vừa béo vừa ngọt như vậy mà không bị giành giật quyết liệt mới là chuyện lạ. Các đời lãnh đạo trước có lẽ giành ăn lộ liễu quá nên bị tố cáo rất nhiều và xộ khám cũng mau lẹ. Cho nên việc ông Trần Đình Thành giữ chắc được cái ghế Ủy viên Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy suốt hai nhiệm kỳ trong khi vẫn “ăn” thun thút, thì có lẽ một phần nguyên nhân là do ông này chịu chia phần đều đặn chứ không cố nuốt một mình.
Ông Thành, ông Thái, ông Vũ… những người liên quan có chức vụ cao nhất trong vụ đồng tình rỉa của ngân sách Nhà nước ít nhất hơn 150 tỷ chỉ qua vụ này (theo số liệu của Thanh tra Nhà nước). 150 tỷ ăn chặn vào chất lượng của các thiết bị y tế, các phương tiện khám chữa bệnh. Nếu nó trót lọt thì chỉ vài năm thôi, máy chạy thận của bệnh viện sẽ hỏng, dao mổ cùn đến mức cứa mấy lần mới đứt da, bệnh nhân nằm chật chội thiếu vệ sinh nhưng vẫn phải trả đủ tiền giường, phải trả bảo hiểm cao hơn mặc dù được miễn phí, thiết bị không được khử khuẩn đúng quy định, hay thời gian được khám, thăm, hỏi bệnh của mỗi người bệnh đều bị rút ngắn…
Nhấn mạnh - đó mới chỉ là một dự án trong hàng trăm dự án xây dựng lớn được đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong một giai đoạn ngắn.
Thế nhưng, nhìn vào sự bình tĩnh và thái độ thoải mái khoe của cải của những người này sau khi an toàn hạ cánh về hưu (ông Thành nổi tiếng dưới cái tên Mười Thành chủ vườn kiểng Dona gồm hàng trăm cây kiểng đắt tiền ở Đồng Nai), có thể đoán họ rất tin tưởng vào đường dây ăn hối lộ mà họ tham gia và từng là những chủ hụi ở Đồng Nai. Một đường dây kín kẽ đến nỗi suốt nhiều năm không nổi lên một thông tin nào nghi vấn về nguồn gốc số tài sản đồ sộ mà họ nắm giữ chỉ bằng cái tài làm lãnh đạo. Lương của quan đầu tỉnh chỉ mười mấy triệu đồng/tháng, thế mà hai trai ngoan cứ đều đều vài tháng lại mang vài tỷ về cho vợ.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.Đến đây phải mở rộng bình luận sang hai bà vợ quan nói trên. Cả hai bà đều khai nhận đã dùng tiền chồng đưa để gửi tiết kiệm, mua bất động sản; vợ ông Thái còn gửi tiền cho hai con gái đang du học tại Mỹ. Vẫn theo cơ quan điều tra thì hai bà đều không hỏi chồng nguồn gốc tiền này từ đâu ra.
Vỗ tay! Thật xứng đôi vừa lứa. Trai ngoan lại gặp gái hiền, tổ tiên nhà hai ông Thành và Thái mả táng hàm rồng. Hai bà vợ quả thật đã thấu đạt ý nghĩa tinh tuyền của đạo lý làm vợ quan. Đấy là không bao giờ tìm hiểu về nguồn gốc đồng tiền ông chồng đưa về từ sàn đấu quan trường. Mặc nhiên tiền vào nhà quan là của quan, cứ ngoan ngoãn nhắm mắt mà nuốt thôi.
Chắc nhiều người đã biết hậu trường nhà quan vốn cũng ly kỳ và đầy ái ố không kém gì các truyện ngôn tình quan đấu Trung Hoa. Các ông chồng có liên minh, có phản phúc, có nịnh nọt luồn lách và đường dây để lên quyền lên chức thì các bà vợ cũng vậy. Các bà vợ quan nhỏ luôn tìm cách kết thân với vợ các quan lớn hơn. Khen đẹp, khen có phúc phần, tặng những thứ quà cáp mà phụ nữ say mê còn hơn cả ông chồng say mê quyền và tiền. Phụ nữ thường dễ bắt thân với nhau hơn đàn ông. Rủ nhau đi mua sắm, chọn trường cho con, tặng nhau các gói spa dưỡng da, thẩm mỹ làm đẹp từ sợi tóc đến gót chân. Các set mỹ phẩm đắt tiền. Quần áo túi xách đồ trang sức hàng hiệu đắt đỏ. Các thực phẩm chức năng quái lạ nhất giúp trẻ hóa, đẹp hóa. Các thứ thuốc của các hãng dược đắt nhất thế giới cho đến lá bùa của ông lang bà mế giúp ông chồng quan to mê vợ như sam, đặc biệt là không đem tiền cho con khác. Thậm chí để thắt chặt quan hệ và đặt lòng tin, các bà không ngại đến tận nhà các quan trên đưa rước con cái cháu chắt, rửa chén, quét nhà, giặt giũ phơi phóng, ủi đồ, nấu ăn, đi chợ, làm chân sai việc vặt… như những nô gia tận tụy nhất. Và cũng trung thành nhất-cho đến khi họ tìm được chủ mới.
Đến lượt mình, việc nhà của các bà lại có các quan bà cấp thấp hơn làm giúp. Và trong khi lê lết hai đầu gối đi cầu thân, cầu lợi cho chồng, thì đến ngày các ông chồng liên minh với nhau, các chị cũng củng cố địa vị vững chắc, bắt đầu buông rèm nhiếp chính. Cứ thế, chuỗi xích kết phe phái bất ngờ thay lại bình đẳng giới hơn nhiều lĩnh vực khác: công ông 50 thì công bà cũng ít nhất 50.
Mới cách đây 4 tháng, Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu, nhận hối lộ… diễn ra tại vùng 3 và vùng 4 (Vùng cảnh sát biển). Khá hy hữu là cả chồng lẫn vợ cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, ông Lê Xuân Thanh đều sóng vai nhau đứng sau vành móng ngựa. Vợ của cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng liên quan nhưng không bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Hai quan bà nói trên đã đứng ra thay chồng giao dịch, nhận tiền hối lộ từ một trùm buôn lậu xăng dầu trên biển.
Báo Lao Động mô tả sự việc rất thú vị:
“Tháng 1/2020, Hữu (trùm buôn lậu nói trên) cùng con trai đến nhà ông Thanh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặt vấn đề và được ông Thanh đồng ý. Hôm đó, Hữu xin số điện thoại của ông Thanh nhưng vị tư lệnh đọc cho Hữu số của vợ mình là bà Phan Thị Xuân.
Từ tháng 3.2020, Hữu đã chỉ đạo con trai hàng tháng hối lộ cho ông Thanh thông qua hình thức mang tiền đến Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa cho bà Xuân. Mục đích để ông Thanh giúp đỡ, bảo kê các tàu buôn lậu xăng trên biển.
Theo cáo buộc, từ tháng 3.2020 đến tháng 1.2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỷ đồng cho con mình để đưa cho bà Xuân. Ban đầu, bà Xuân đều thông báo cho chồng việc nhận tiền từ con trai của Hữu. Ông Thanh nghe vợ kể lại nhưng không nói gì.
Tuy nhiên, từ khi nhờ và chi tiền cho ông Thanh, các tàu chở hàng lậu của nhóm bị can Hữu không bị Cảnh sát biển Vùng 3 kiểm tra, bắt giữ”.
Mới năm trước, một quan bà khác là vợ của ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng bị phanh phui trước tòa. Quan bà này đã góp vốn năm tỷ đồng để lập một công ty kinh doanh, đứng tên hai đứa con (mà ông chồng khai trước tòa là không hề biết!) Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ đều do bà thành lập, giả chữ ký của con trai để ký. Bà cũng nhiều lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng để cuối cùng tên của thành viên gia đình mình không còn trong công ty.
Loanh quanh một hồi, công ty này, được giới thiệu của chính ông Chung, đã bán nhiều mặt hàng trong lĩnh vực vệ sinh môi trường cho các đơn vị thuộc UBND Hà Nội, thu hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Truyền thống gia đình Việt Nam phân công người vợ là tay hòm chìa khóa, lo giữ tiền, quản gia và nuôi dạy con cái. Nếu vợ của các ông Thành, ông Thái, hai ông cựu thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, ông Chung… có lần nào bị con lương tâm nhe răng cắn, khiến họ áy náy hay lo sợ về những đồng tiền bẩn thỉu nhận được thì có lẽ chồng họ cũng chẳng chìm sâu vào vũng bùn ăn hối lộ. Ông bà ta còn nhắc “Phúc đức tại mẫu”, mà đã có đức thì “mặc sức mà ăn”. Các vị mẫu kể trên có lẽ đã đọc nhầm tục ngữ nói trên thành phúc đức còn có một mẩu. Cho nên, để giữ gìn tinh thần nhân đạo của chúng ta thì không nên hình dung đoạn cuối của cuộc đời họ làm gì.
Đến đây kính mong các bác quan tòa Việt Nam đọc kỹ vụ này để khi kết án thì giữ vững quan điểm “điều gì kẻ đưa hối lộ đã kết hợp thì quan tòa không được phép phân ly”, hết sức giúp đỡ những đôi vợ chồng hòa thuận nói trên được bên nhau trong mọi nơi mọi lúc.
Duy có điều, tôi lưu ý bà vợ ông Thái. Chồng bà khai tiền hối lộ ông nhận để nuôi hai con du học Mỹ. Sai, đừng tin. Ở cỡ chủ tịch một tỉnh công nghiệp, có đến hàng ngàn doanh nghiệp muốn xin đất, xin dự án, xin cơ chế, xin vốn… thì hai con chứ hai chục con của ông du học thì ông cũng chả phải bỏ ra một đồng nào. Du học Mỹ chứ du học mặt trăng thì doanh nghiệp cũng sẽ chạy chọt cho bằng được. Trai ngoan này khai mang tiền về cho vợ có đúng sự thực không, cũng xin quan tòa soi xét kẻo lại lọt người lọt tội.
__________________
Nguồn tin: Bình luận của Bằng Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn