Trung Quốc dùng quân bài “nước đang phát triển” để trốn nghĩa vụ khí hậu

Chủ nhật - 27/11/2022 23:51
tải xuống (2)
tải xuống (2)

Người dân dọn bùn sau trận lũ lụt ở Thanh Sơn, Thanh Hải, Trung Quốc, ngày 18/8/2022. AP - Zhang Hongxiang

Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 27 kết thúc với đồng thuận thiết lập một quỹ bồi thườngcho các nước nghèo hứng chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu. Liệu một cường quốc như Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới có đóng góp vào quỹ này cùng với các nước giàu hay vẫn ở trong nhóm các quốc gia thụ hưởng vì vẫn mang danh “nước đang phát triển”. RFI xin giới thiệu bài phân tích về chủ đề này, đăng trên Washington Post ngày 23/11/2022. 

Từ năm 1992, Liên Hiệp Quốc xếp Trung Quốc vào nhóm các nước đang phát triển vì hàng trăm triệu công dân của nước này vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Tình hình đã thay đổi. Giờ đây Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng năm lớn nhất thế giới. So với 30 năm trước, Trung Quốc nay đã giàu gấp 3 lần và gây ô nhiễm gấp 4 lần. Tuy nhiên, vị trí của Trung Quốc không thay đổi từ 3 thập kỷ qua,  khiến nhiều nhà ngoại giao thuộc các nước phát triển cho rằng điều này giúp Trung Quốc tránh phải đóng góp một cách công bằng vào quỹ để giúp các nước nghèo ứng phó với thiệt hại từ biến đổi khí hậu.  

Gầy đây, tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 27, diễn ra tại Ai Cập, các cuộc tranh cãi nổ ra liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc đối với những nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi hiện tượng trái đất nóng lên, nhưng lại gây tác động ít nhất đối với môi trường. Vào tuần cuối cùng của hội nghị, các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã đồng ý thiết lập một quỹ nhằm bồi thường các nước dễ bị “tổn thương”,vì nước biển dâng, bão lũ và các tác động khác do trái đất bị hâm nóng. 

"Trách nhiệm" của Trung Quốc ?

Giới phân tích cho rằng có vẻ như Trung Quốc sẽ không đóng góp tài chính vào quỹ này trong khi tỷ lệ “đóng góp”vào phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tăng nhanh chóng.  

Nhà tư vấn chính sách của tổ chức Greenpeace ở Đông Á Lo Shuo cho rằng “thực tế rất rõ ràng : Trung Quốc là nước phát thải lớn nhất thế giới. Do vậy, đây là một vấn đề đáng để bàn về trách nhiệm ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế”. 

Đây là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh khó chịu với đề xuất rằng Trung Quốc nên coi mình là một nước phát triển, đồng thời chỉ ra rằng có những người nghèo cùng cực vẫn ở khắp nơi trên đất nước. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Hoa Kỳ, phải chịu trách nhiệm cho việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyền, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trong lịch sử, ngay cả khi Trung Quốc đã “vượt mặt” Hoa Kỳ về lượng khí thải carbon hàng năm.  

Những "hứa hão" tài trợ

Phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc tại Washington, Lưu Bành Vũ (Liu Pengyu) trả lời trong thư điện tử rằng“các quốc gia phát triển, bao gồm cả Hoa Kỳ phải gánh chịu nhiều trách nhiệm hơn. Điều này không phải thuộc về đạo đức mà có lý do cả. Từ giữa thế kỷ 18 đến năm 1950, 95 % lượng khí thải carbon là từ các nước phát triển”. 

Ông Lưu nhấn mạnh rằng các nước phát triển vẫn chưa tuân thủ cam kết vào năm 2009 : hỗ trợ 100 tỷ đô la cho các nước đang phát triển, liên quan đến quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh và thích ứng với việc các thảm họa khí hậu ngày càng tăng. Năm 2020, các nước giàu chỉ hỗ trợ gần 20 tỷ đô la, so với những gì mà họ đã hứa. 

Theo nhà phân tích chính sách của tổ chức tư vấn E3G, ông Byford Tsang cho rằng:“Các nước phát triển, giàu hơn đã tạo điều kiện dễ dàng cho Trung Quốc để đưa ra lập trường này vì họ vẫn chưa hoàn toàn tuân thủ cam kết liên quan đến hỗ trợ tài chính cho khí hậu, mà đáng lý ra phải được hoàn thành từ hơn 1 thập kỷ trước.” 

Ông Tsang không nghĩ rằng Trung Quốc cố gắng có được tài trợ từ quỹ, dành cho các nước chịu thiệt hại từ biến đổi khí hậu. Bởi vì quỹ này là dành cho các nước dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các đảo phải đối mặt với đe dọa “sống còn” do mực nước biển dâng. 

Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện của Trung Quốc tại COP 27, ông Tạ Chấn Hoa (Xie Zhenhua) cho biết : “Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ yêu cầu của các nước đang phát triển. Năm nay, Trung Quốc cũng bị mất mát rất nhiều từ các thảm họa khí hậu. Chúng tôi thông cảm với nỗi khổ của các nước đang phát triển và hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của họ”.Ông Tạ cũng khẳng định rằng“mặc dù đây không phải là trách nhiệm của chúng tôi nhưng Trung Quốc cũng đã cung cấp 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu đô la) để giúp các nước đang phát triển cắt giảm phát thải (carbon) và thích ứng với hiện tượng trái đất nóng lên qua một quỹ riêng biệt South-South Climate Cooperation Fund.” 

Lằn ranh đỏ giữa "phát triển" và "đang phát triển"

Giới chuyên gia cho rằng có vẻ như Bắc Kinh không cấp viện trợ khí hậu qua Liên Hiệp Quốc hoặc thực hiện các cam kết qua các kênh khác, trong khi cũng đang phải chịu áp lực ở trong nước : làm sao để phục hồi kinh tế, một phần là do chính sách hà khắc Zero Covid và do thị trường bất động sản suy thoái. Để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng, Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất than khổng lồ. 

Theo nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, bà Lauri Myllyvirta, đóng góp tài chính vào quỹ khí hậu “tương đương” với việc chấp nhận trách nhiệm của một quốc gia phát triển và đó luôn là“lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc.” 

Trong các cuộc đàm phán COP 27, Liên Hiệp Châu Âu đã cố gắng tách Trung Quốc khỏi nhóm các nước đang phát triển, bằng các đề nghị đóng góp vào quỹ khí hậu. Một nước phát thải lớn như Bắc Kinh nên được xem là nhà tài trợ tiềm năng thay vì nằm trong danh sách nhận viện trợ tiềm năng. 

Trong những giờ phút đàm phán cuối cùng ở COP 27, các nước đã thỏa hiệp, cho phép Trung Quốc có thể đóng góp nếu muốn. Tại các COP trước đó, Trung Quốc đã liên minh với một nhóm gồm hơn 100 quốc gia, đang phát triển, thúc ép các nước giàu hỗ trợ nhiều hơn. Năm nay, tại COP 27, nước dẫn đầu trong nhóm này là Pakistan, một trong những đối tác ngoại giao thân cận của Trung Quốc, đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng. (Pakistan phải chịu trách nhiệm với 1 % lượng khí phát thải nhà kính toàn cầu. Vào mùa hè vừa qua, nước này đã bị tàn phá bởi trận lũ lụt thảm khốc, khiến 1500 người thiệt mạng và thiệt hại hơn 40 tỷ đô la.) (…) 

Khó thay đổi phân loại quốc gia

Liên Hiệp Quốc định nghĩa các nước đang phát triển là những nước có mức sống thấp, các cơ sở công nghiệp nhỏ và các chỉ số khác thấp như là tuổi thọ, phổ cập giáo dục và thu nhập bình quân đầu người. Ả Rập Xê Út vẫn được coi là một nước đang phát triển mặc dù giàu có nhờ trữ lượng giàu mỏ. Quốc gia này muốn áp đặt từ ngữ trong các cuộc đàm phán tại COP, đó là “kêu gọi giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch”. Tuy nhiên đảo quốc Vanuatu, một nước đang đối mặt với mực nước biển dâng, đã đấu tranh để giữ cụm từ “kêu gọi giảm thiểu phát thải khí carbon”.(…) 

Một cựu quan chức ngoại giao về khí hậu của một nước duyên hải đang phát triển, xin ẩn danh, vì lo ngại Bắc Kinh trả đũa, cho biết Trung Quốc luôn tìm kiếm cách sử dụng ngôn từ để được bảo vệ và phải chịu trách nhiệm ít hơn, không có nghĩa vụ với các nước đang phát triển.“Bức tường lửa giữa phát triển và đang phát triển đã bảo vệ Trung Quốc”. 

Trong tương lai, bất kỳ động thái nào của Liên Hiệp Quốc nhằm xem xét phân loại lại Trung Quốc như nước phát triển, thì cần phải có sự tán thành của gần 200 quốc gia. Chỉ cần một nước phản đối thì điều này không thể thực hiện được. Theo GreenPeace, đây là một bế tắc chính trị vì chúng ta không bao giờ có thể phân loại lại được. 

 
   

Nguồn tin: Chi Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập32
  • Hôm nay7,449
  • Tháng hiện tại224,983
  • Tổng lượt truy cập35,871,328
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây