Ukraina phản công thắng lợi nhờ viện trợ quân sự Mỹ trên mọi mặt

Thứ bảy - 17/09/2022 09:35
unnamed (5)
unnamed (5)
 

Ảnh minh họa: Lính Ukraina sử dụng đại pháo M777 do Mỹ viện trợ trong một cuộc tấn công vào vị trị của Nga ở vùng Kharkiv (Ukraina), ngày 21/07/2022. REUTERS - GLEB GARANICH

Ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện binh sĩ, Hoa Kỳ còn chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraina, đặc biệt là các hình ảnh từ vệ tinh quan sát của Mỹ, đồng thời tham gia lập kế hoạch tác chiến.

Theo bộ Quốc Phòng Ukraina, chỉ trong vòng vài ngày, quân đội nước này đã giành được nhiều thắng lợi rõ rệt ở khu vực xung quanh Kherson và Kharkiv trong chiến dịch phản công tại mặt trận phía nam và phía đông bắc, và đà tiến công vẫn tiếp diễn vào hôm nay, 14/09/2022. Đối với giới quan sát, thành công trên chiến trường của lực lượng Ukraina không thể tách rời khỏi sự giúp đỡ tận tình của Mỹ.

Ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện binh sĩ, Hoa Kỳ còn chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraina, đặc biệt là các hình ảnh từ vệ tinh quan sát của Mỹ, cho phép giới chỉ huy quân đội Ukraina có được cái nhìn tổng quát về tình hình trên chiến trường.

Chính tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky là người đã loan báo những con số đầy ấn tượng về thắng lợi của chiến dịch phản công: Ngày 10/09 ông cho biết là lực lượng Kiev đã giành lại được 2000 cây số vuông lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Hai ngày sau đó, hôm 12/09, ông đã nói đến con số 6000 km2 được giải phóng.

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 14/09, nhà lãnh đạo Ukraina không hề che giấu thực tế là chính Mỹ đã giúp đất nước ông giành được những thắng lợi quan trọng đó. Phát biểu nhân chuyến ghé thăm Kiev hôm 09/09 vừa qua của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tổng thống Zelensky công nhận: “Chúng tôi không thể lấy lại những vùng lãnh thổ đó nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ”.

Mỹ bảo đảm 70% viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina

Phải nói là cho đến nay, Mỹ là nước đi đầu trong công cuộc viện trợ cho Ukraina để chống lại sự xâm lược của Nga, đặc biệt là trợ giúp về mặt quân sự.

Theo Lầu Năm Góc,  kể từ ngày 24/02, tức là ngày Nga khởi động cuộc xâm lược nước láng giềng, Mỹ đã chuyển hơn 14,5 tỷ đô la thiết bị quân sự cho Ukraina, trong đó có 12,5 tỷ đô la được lấy trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội Mỹ. Để so sánh, ngân sách quốc phòng của Ukraina chỉ khoảng 5 tỷ đô la một năm trước khi Nga xâm lược.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới Kiel tại Đức, công bố vào tháng 8 vừa qua, chỉ riêng Hoa Kỳ đã cung cấp đến 70% viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina. Nước đứng hàng thứ hai là Ba Lan, tiếp theo sau là Vương Quốc Anh. Riêng nước Pháp đứng ở vị trí thứ 11.

Ngoài xe tăng hạng nặng và máy bay chiến đấu, những loại vũ khí mà Washington và các đồng minh vẫn chưa muốn cung cấp vì sợ leo tháng tranh chấp với Matxcơva, Mỹ đã chuyển giao cho Ukraina vũ khí đủ để trang bị cho một đạo quân hoàn chỉnh: từ 40.000 chiếc tên lửa chống tăng, trong đó có 8.500 chiếc Javelin hiện đại, 126 khẩu đại pháo 155mm loại M777, 1.400 máy bay không người lái một nửa loại Switchblade và một nửa loại Phoenix Ghost, 20 chiếc trực thăng Mi-17), 1.400 hệ thống tên lửa phòng không di động Stinger, 8 hệ thống tên lửa đất đối không Nasam, 200 chiếc xe thiết giáp M113 và hàng trăm chiếc Humvee…

Ngoài số lượng, điều quan trọng hơn cả là chất lượng của các vũ khi được cung cấp, giúp quân đội Ukraina ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga để rồi sau đó phản công. Theo ý kiến Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng võ trang Ukraina, việc Washington chuyển giao 16 bệ phóng tên lửa Himars M142 từ tháng 6 (Vương Quốc Anh, Na Uy và Đức cũng cung cấp 9 hệ thống M270, một loại vũ khí tương đương) đã đánh dấu một bước ngoặt, giúp Ukraina tấn công chính xác vào các vị trí trọng yếu của Nga, từ các kho vũ khí, đạn dược, cho đến các trục hậu cần, ở cách xa đến 80 km.

Trong một cuộc chiến mà pháo binh được cho là đóng một vai trò quan trọng, nguồn cung cấp đạn dược khổng lồ (800.000 quả đạn 155 mm, 144.000 quả 105 mm, 85.000 quả 120 mm, v.v.) cũng có ý nghĩa quyết định trong việc đáp trả hỏa lực của pháo binh Nga và hỗ trợ cho một chiến tuyến dài 2.500 km, trong đó 1.300 km được coi là đang có giao tranh dữ dội.

Thiết bị truyền tin, huấn luyện binh sĩ

Ngoài vũ khí sát thương, các loại thiết bị quân sự khác cùng các trợ giúp quân sự phi vật chất như huấn luyện binh sĩ hay chia sẻ thông tin tình báo mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraina cũng mang ý nghĩa quyết định.

Tập đoàn viễn thông Starlink, thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk, cho biết là đã cung cấp cho Ukraina từ 15.000 đến 20.000 thiết bị nhận tín hiệu từ vệ tinh, rất hữu ích cho quân đội khi mạng lưới liên lạc bị cắt. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, 12/09, bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là tiếp tục cung cấp cho Ukraina mọi thứ họ cần”.

Được khởi xướng từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimế, việc huấn luyện binh sĩ Ukraina theo chiến thuật của NATO cũng đã được  Mỹ đẩy mạnh sau khi chiến tranh nổ ra. Lầu Năm Góc ngày 12/09 vừa qua đã tiết lộ rằng họ đã huấn luyện khoảng 1.500 binh sĩ sử dụng các thiết bị của Mỹ trong những tháng gần đây: 630 người được huấn luyện sử dụng đại pháo M777, 325 xạ thủ cho hệ thống phóng pháo phản lực Himars, 100 chuyên gia điều khiển máy bay không người lái...

Bên cạnh đó, Washington cũng hỗ trợ chương trình đào tạo được triển khai trên đất Anh vào mùa hè, nơi đã huấn luyện hơn 4.000 binh sĩ.

Hôm 07/09, phát biểu tại một hội nghị, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ Bill LaPlante xác nhận sự kiện hai tàu Nga hoạt động ở Biển Đen đã bị đánh chìm hồi tháng 6 vừa qua bằng tên lửa Harpoon của phương Tây, được các xạ thủ do Mỹ đặc biệt huấn luyện bắn đi từ đất liền. Một nguồn tin quân sự xác nhận: “Quân đội Ukraina không phải là quân đội thứ yếu. Họ từng được huấn luyện thường xuyên cùng với quân đội NATO trước chiến tranh, nên có cơ sở rất tốt”.

Chia sẻ thông tin tình báo, giúp lập kế hoạch tác chiến

Quan trọng hơn nữa là Hoa Kỳ đã chia sẻ với Ukraina thông tin tình báo. Mỗi ngày, máy bay do thám của không quân Mỹ đều bay ngang dọc trên không phận Biển Đen và vùng biên giới giữa Ukraina và Rumani, để thu thập dữ liệu điện tử và từ tính do quân đội Nga phát ra.

Theo các nhà phân tích, hình ảnh từ vệ tinh quan sát của Mỹ cũng được cung cấp cho Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Ukraina, giúp cho họ có cái nhìn tổng quan về các hoạt động trên chiến trường gần như theo thời gian thực.

Joseph Henrotin, thành viên nghiên cứu tại Viện Chiến Lược So Sánh (ISC), cho biết: “Hôm nay chúng ta đang chứng kiến ở Ukraina hoạt động tình báo lớn nhất của NATO kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc”.

Dù phủ nhận sự hiện diện của các cố vấn quân sự trên hiện trường, nhưng rõ ràng là Hoa Kỳ cũng tham gia vào việc lập kế hoạch tác chiến.

Một bài viết trên nhật báo Mỹ New York Times ngày 13/09, đã trích lời các quan chức Mỹ, cho biết là cuộc phản công kép ở Kherson sau đó ở Kharkiv đã được chuẩn bị với các quân nhân Mỹ từ Lầu Năm Góc trong các bài tập mô phỏng – gọi là wargames trong thuật ngữ quân sự.

Ông Colin Kahl, thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng tại Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện các bài tập mô phỏng và trên sa bàn. Các cuộc tập trận đó đã cho thấy là một số phương án phản công có nhiều khả năng thành công hơn phương án khác. Chúng tôi đã chuyển khuyến nghị cho phía Ukraina, và sau đó chính người Ukraina đã suy nghĩ và đưa ra quyết định của riêng họ”.

 
   
 

Nguồn tin: Trọng Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập48
  • Hôm nay10,040
  • Tháng hiện tại56,055
  • Tổng lượt truy cập35,702,400
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây