Lời giới thiệu
-“Làm sao biết là mình về già rồi?"
-"Dễ ẹc. Chỉ ngồi chơi, không mần chì hết trơn hết trọi mà cũng thấy mệt lử!”
Những dòng sau đây người viết ghi lại từ kinh nghiệm của bản thân và của đám bạn già đồng tuế, đồng môn... chỉ có mục đích giải trí cho dzui chứ không hề có ý định dạy dỗ ai cả.
Nếu nghe không vô, xin vui lòng bỏ qua làm phước.
- TVG
Về già mình không còn sức khỏe để làm những việc như hồi còn trẻ… ngồi chơi không đã mệt.
Về già nên quan tâm đến đến bản thân. Sống thật với chính mình không nhất thiết phải theo ý người khác. Ai muốn nói xấu tốt sao thì thây kệ mặc họ, cứ việc làm thế nào mà những người chung quanh đều vui vẻ hài lòng là được tốt rồi.
Về già nên để ý trước đến một viện dưỡng lão nào đó gần gũi mọi người thân quen và vừa túi tiền để có cơ hội được chăm sóc y tế và vui sống với bạn già, cảnh già.
Về già chỉ nên nói chuyện “ngày xưa” với các bạn đồng lứa. Chỉ nói chuyện “ngày xưa” với tụi trẻ khi được chúng hỏi; bởi vì đám trẻ chỉ thích nói đến chuyện “ngày mai” thôi…
Về già nên sống với… vợ (nếu có / còn!); không nên sống chung với con cái. Con cái có đến thăm thường xuyên, có hỏi han là tốt.
Về già nên hiểu vài vấn đề sau:
Hạnh phúc là do ngay chính mình tạo ra. Hạnh phúc ở ngay chính trong tâm trạng, trong các công việc vụn vặt hàng ngày.
Tiền bạc không phải là không quan trọng; nhưng không nên quá coi trọng nó. Sống tần tiện nhưng không quá đắn đo như tu sĩ sống đời khổ hạnh. Phải khoan dung với mình; thường xuyên tự ban phát cho mình những phần thưởng nhỏ để thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Suy nghĩ luôn luôn phải là chuyện tích cực. Sống với tâm lý bi quan sầu não sẽ chóng già và dĩ nhiên sẽ chóng… chết.
Đau ốm là chuyện thường tình của vòng tử sinh; nhưng mình vẫn có thể giảm thiểu vấn đề bệnh tật được bởi lẽ sau đây:
- Người ngu tự gây bệnh cho mình (hút thuốc, uống rượu, tham ăn, ham chơi…)
- Người dốt chờ bệnh xẩy đến cho mình (bị ốm nặng gần chết mới đi bác sĩ…).
- Người khôn là người biết lo phòng bệnh (ăn uống, nghỉ ngơi, hoạt động… tất cả đều ở mức vừa phải, thận trọng) không chờ đến lúc bệnh nặng mới chữa bệnh…
Nếu lỡ mắc bệnh rồi thì trông cậy vào ai?
Con cái? Con cái chúng phải lo cuộc sống gia đình riêng đủ đầu tắt mặt tối rồi. Mình cũng đâu có nỡ làm chúng chết sớm bởi vì mình!
Nhờ người phối ngẫu? Nếu có vợ (hay chồng?) còn trẻ, còn khỏe, còn biết điều (?!)… thì phúc đức quá xá. Còn lại, phần lớn người phối ngẫu cũng thường đau ốm như mình làm sao họ giúp mình đựợc hà?
Thành ra vào tuổi này, lần đầu tiên tui thấy câu “Không có gì quý bằng độc lập và tự do” có ý nghĩa. (Lưu ý: Tui không hề bao giờ trở cờ à nhe! Check my records out!) .
Nói tóm lại khi về già, vào những tháng năm cuối đời người, hai cái còn lại xem như quan trọng nhất là “Sức Khỏe” và sự “Yêu Thương.”
Cần “Sức Khỏe” để sống mà không làm gánh nặng cho mọi người thân yêu chung quanh. Biết “Yêu Thương” khi mình còn đang minh mẫn (chưa đến nỗi lú lẫn), còn có thể làm (yêu thương!) được đối với gia đình, bạn hữu, xóm giềng… bởi vì đời là vô thường; đâu biết ngày mai sẽ ra sao. Cố tránh phải mang cái luyến tiếc trong lòng qua bao chữ như: “giá mà…,” “giả như...,” “phải chi…” Nên dùng tất cả chân tình mà đối xử với nhau.
Ngoài ra, nếu có cơ hội làm thêm được chút việc thiện (charity) hay xưng tội (confess?) lớn hay nhỏ nào thì mên làm ngay vì khi ra đi mình chỉ mang được vỏn vẹn hai thứ với mình. Đó là: Tội và Phúc (!)
Vâng. Anh phải sống! Sống Hùng, Sống Mạnh và nhất là phải Sống Dai!
Remember that it is not over until it is over! Be Happy!
Until then…
Nguồn tin: Trần Văn Giang Orange County 5/19/2023
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn