“Bom bẩn trong tay Ukraina”: Vũ khí tuyên truyền mới của Nga trong cuộc chiến

Thứ năm - 27/10/2022 20:12
tải xuống (2)
tải xuống (2)

 

Ảnh minh họa: Tổng thống V.Putin (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu, tại diễn đàn Công nghệ quân sự Quốc tế tại Matxcơva, ngày 15/08/2022.Ảnh minh họa: Tổng thống V.Putin (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu, tại diễn đàn Công nghệ quân sự Quốc tế tại Matxcơva, ngày 15/08/2022. AP

Liên tiếp trong hai ngày 23-24/10/2022, Matxcơva rầm rộ tố cáo Ukraina là đang chế tạo một quả “bom bẩn”, cho nổ ngay trên lãnh thổ của mình rồi đổ tội cho Nga. Kiev dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc, mời quốc tế đến kiểm tra, trong lúc các nước phương Tây đồng loạt lên án Nga tung tin giả để viện cớ leo thang quân sự tại Ukraina.

Bom bẩn là gì, nguy hại ra sao mà đã trở thành tâm điểm tranh cãi mới giữa Nga và Ukraina cùng với các đồng minh?

Theo các chuyên gia phân tích, “bom bẩn” không phải là loại vũ khí có sức hủy diệt ghê gớm trên chiến trường, nhưng lại có khả năng uy hiếp tinh thần cực lớn.

Trong bài phân tích công bố ngày 24/10, hãng tin Pháp AFP giải thích: “Bom bẩn” - còn được gọi là “thiết bị phân tán phóng xạ” - không phải là bom hạt nhân mà chỉ là một loại bom thông thường, bên trong có chứa một hoặc nhiều sản phẩm độc hại về mặt hóa học hay sinh học, sẽ bị phát tán ra không khí dưới dạng bụi khi bom nổ.

“Vũ khí gây rối loạn hàng loạt”

Cách thức chế tạo một quả bom bẩn không mấy phức tạp vì các nguyên liệu cần thiết vẫn thường được sử dụng trong các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, các cơ sở công nghiệp dân sự hoặc quân sự.

Mục đích chính của việc sử dụng loại bom này là gây ô nhiễm trong một khu vực địa lý, khiến cho những người có mặt tại chỗ bị nhiễm phóng xạ trực tiếp hay sau đó do hít phải bụi hoặc ăn phải các chất nhiễm xạ. Và chính điều này khiến cho bom bẩn trở nên đáng sợ.

Theo AFP, Ủy Ban An toàn Hạt Nhân Hoa Kỳ đã tóm tắt đặc điểm của loại vũ khí này như sau: “Một quả bom bẩn không phải là 'vũ khí hủy diệt hàng loạt' mà là 'vũ khí gây rối loạn hàng loạt' nhằm mục đích chủ yếu là gây ô nhiễm và gây sợ hãi”.

Trả lời nhật báo Anh The Financial Times ngày 24/10, ông Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên Cứu Giải Trừ Quân Bị của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève (Thụy Sĩ), cũng cho rằng bom bẩn không mấy ích lợi trên chiến trường.

Theo ông Podvig: “Loại bom đó có lẽ là cách kém hiệu quả nhất để phân tán những vật liệu này ra xung quanh” vì phạm vi ô nhiễm chỉ giới hạn trong một đường kính vài chục mét mà thôi.

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này: “Ngay cả khi bom nổ, dù nhiễm phóng xạ không phải là điều tốt, nhưng không phải ai cũng bị ngay một liều lượng có thể dẫn đến nguy hiểm ngay lập tức, chưa kể đến khả năng tử vong”.

Cả một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ

Dẫu sao thì Nga đã bất ngờ khởi động cả một chiến dịch tuyên truyền, rầm rộ tung ra những lời cáo buộc Ukraina là có âm mưu chế tạo và cho nổ một quả bom bẩn để rồi sau đó vu oan cho Matxcơva.

Một hôm sau khi chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu nêu lên với các đồng nhiệm Mỹ, Anh, Pháp, và Thổ Nhĩ Kỳ các “mối quan ngại” về “các hành động khiêu khích có thể xảy ra từ phía Ukraina với việc sử dụng 'bom bẩn'”, ngày 24/10, đến lượt tướng Igor Kirillov, phụ trách các chất phóng xạ, hóa chất và sản phẩm sinh học của quân đội Nga vạch trần âm mưu được gán cho Ukraina.

Bản thông báo được AFP trích dẫn nêu rõ: “Theo thông tin chúng tôi có được, hai tổ chức của Ukraina đã có chỉ thị cụ thể để chế tạo cái gọi là “bom bẩn”. Công việc của họ đã bước vào giai đoạn cuối cùng”. Theo nhân vật này, chính quyền Ukraina có thể là đã sử dụng đến “các chất phóng xạ từ các cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân trong nhà máy điện nguyên tử Chernobyl”.

Theo ông, "mục đích của hành động khiêu khích này là cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraina và qua đó phát động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên thế giới”.

Cùng ngày, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nga tướng Valery Gerasimov cũng nhắc lại cáo buộc trong các cuộc thảo luận với các đồng nhiệm Anh và Mỹ, trong lúc ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sẽ đưa các cáo buộc về bom bẩn Ukraina lên Liên Hiệp Quốc

Ukraina và phương Tây phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ

Các cáo buộc của Nga đã lập tức bị Ukraina và các đồng minh phương Tây nhanh chóng bác bỏ, xem đấy là những điều bịa đặt vô lý, chỉ nhằm mục tiêu gây thêm căng thẳng.

Đối với ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba, “những lời bịa đặt của Nga về việc Ukraina chuẩn bị sử dụng 'bom bẩn' vừa vô lý, vừa nguy hiểm”. Ông đồng thời cho biết là Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc tế đã chấp nhận lời mời cử chuyên gia khẩn cấp đến thanh tra các cơ sở của Ukraina bị Nga cho là đang phát triển bom bẩn.

Về phần mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không ngần ngại tố cáo ngược lại “Nếu Nga nói rằng Ukraina đang chuẩn bị một cái gì đó, điều đó chỉ có nghĩa là Nga đã chuẩn bị tất cả những điều đó”.

Tương tự như Ukraina, một số quốc gia phương Tây coi những cáo buộc này là một mưu toan tạo cớ để quân đội Nga leo thang chiến sự, thậm chí dùng đến bom bẩn tại Ukraina.

Trong một tuyên bố chung công bố vào sáng sớm hôm qua, 24/10, ngoại trưởng ba nước Pháp, Anh và Mỹ đã bác bỏ “những cáo buộc rõ ràng là sai lạc của Nga theo đó Ukraina đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn trên lãnh thổ của mình”. Theo bản tuyên bố: “Không ai bị lừa trước nỗ lực sử dụng cáo buộc đó như một cái cớ để leo thang”.

Lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ thái đô quan ngại của mình trên mạng Twitter sau khi nói chuyện với các bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin của Mỹ và Ben Wallace của Anh.

Liệu Nga có dám dùng bom bẩn?

Theo nhật báo Anh The Financial Times, dù phản ứng của phương Tây là điều thường thấy từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina, nhưng những tuyên bố hôm thứ Hai (24/10) có sức nặng lớn hơn do sự phối hợp diễn ra nhanh chóng, ngay vào ban đêm giữa ba cường quốc có vũ khí hạt nhân trong khối NATO.

Đối với nhật báo Anh, phản ứng nhanh chóng này bắt nguồn từ mối lo ngại ngày càng tăng trước những lời đe dọa hạt nhân gần đây do tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sau những thất bại quân sự của Matxcơva trên chiến trường Ukraina.

Tuy nhiên, AFP nhắc lại rằng một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ xin giấu tên vào hôm qua vẫn xác định rằng Washington "vẫn không thấy dấu hiệu nào" về việc Nga đã quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học. Khi được hỏi liệu điều này có bao gồm quyết định sử dụng "bom bẩn" hay không, quan chức này trả lời "có".

 
Trả lờiTrả lời tất cảChuyển tiếp

Nguồn tin: Trọng Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại104,609
  • Tổng lượt truy cập34,737,328
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây