Thành phố thủ phủ và cảng sông của Kherson, nơi có khoảng 280.000 dân cư trước khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2, là trung tâm đô thị lớn nhất mà các lực lượng Moscow vẫn còn nắm quyền kiểm soát sau 8 tháng giao tranh.
Theo Reuters, các lực lượng Kiev dường như không tái chiếm được nhiều lãnh thổ trong cuộc phản công ở Kherson kể từ đầu tháng 10, khi Nga tuyên bố sáp nhập tỉnh này và 3 tỉnh khác.
"Với Kherson, mọi thứ đã rõ ràng. Người Nga đang bổ sung và củng cố lực lượng của họ ở đó. Động thái có nghĩa không ai chuẩn bị rút lui. Ngược lại, các trận giao tranh ác liệt nhất sẽ diễn ra với Kherson", Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong một video trực tuyến tối 25/10.
Trong số 4 tỉnh Ukraine sáp nhập vào Nga hồi tháng trước, Kherson được đánh giá là quan trọng nhất về mặt chiến lược. Tỉnh kiểm soát cả tuyến đường bộ duy nhất đến Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014 và cửa sông Dnipro, con sông rộng lớn chia đôi Ukraine.
Thủ tướng Na Uy phản đối cô lập Nga
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho rằng các nước phương Tây không nên cô lập Nga, thay vào đó nên liên lạc trực tiếp với Moscow để giải quyết các căng thẳng hiện nay.
Đài NRK hôm 25/10 dẫn lời ông Store phát biểu trước Quốc hội Na Uy: "Không có gì tốt đẹp trong việc cô lập Nga. Điều đáng báo động là hiện nay chúng ta quá ít liên lạc và trao đổi trực tiếp với Nga".
Theo lãnh đạo chính phủ Na Uy, tình hình chính trị hiện ở mức khó khăn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Các nước phương Tây đã quyết tâm cô lập Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2. Họ đã triển khai một loạt các biện pháp trừng phạt toàn diện với Moscow, đồng thời đe dọa cấm vận các đồng minh và đối tác của Nga nếu tiếp tục hợp tác, hỗ trợ xứ sở bạch dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần lên án các động thái của phương Tây, đồng thời khẳng định nước này không thể bị cô lập.
Na Uy bắt nhà nghiên cứu Brazil tình nghi làm gián điệp cho Nga
Cơ quan an ninh nội địa Na Uy vừa bắt giữ José Assis Giammaria, người đàn ông tự xưng là học giả Brazil, vì nghi ngờ người này là gián điệp của Nga.
“Chúng tôi đã yêu cầu trục xuất một nhà nghiên cứu tại Đại học Tromsø khỏi Na Uy vì chúng tôi tin ông ta tạo ra mối đe dọa đối với các lợi ích quốc gia cơ bản”, Phó giám đốc Cơ quan An ninh cảnh sát Na Uy (PST) Hedvig Moe phát biểu trên đài quốc gia NRK.
Báo Guardian dẫn lời ông Moe nói, PST quan ngại rằng nhà nghiên cứu trên “có thể đã thâu tóm được một mạng lưới và thông tin về chính sách của Na Uy ở phía bắc”. “Ngay cả khi điều này… không phải là mối đe dọa đối với an ninh của đất nước, chúng tôi lo ngại chúng có thể bị Nga sử dụng sai mục đích”, ông Moe giải thích.
Một tòa án địa phương đã ra lệnh tạm giam Giammaria một tháng.
Tuần trước, Na Uy thông báo đã bắt giữ công dân Nga thứ 7 tình nghi sử dụng máy bay không người lái hoặc chụp ảnh trái phép trong các khu vực cấm, chủ yếu ở vùng cực bắc nhạy cảm về mặt chiến lược của nước này.
Tuấn Anh
Nguồn tin: Tuấn Anh Nhà báo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn