Bị can đột tử không ảnh hưởng bản chất vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan

Thứ ba - 01/11/2022 09:27
unnamed (4)
unnamed (4)

Theo ông Tô Ân Xô, có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử trong quá trình tố tụng vụ án xảy ra tại tập đoàn đầu tư An Đông.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, việc này gây thêm một vài khó khăn cho công tác điều tra. Tuy nhiên, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, bản chất vụ việc sẽ được làm rõ, pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh.

Theo ông Xô, vụ án xảy ra tại tập đoàn đầu tư An Đông với bị can là Trương Mỹ Lan và đồng phạm là một trong những vụ án rất khó với lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, trinh sát và khởi tố vụ án. Tham gia chuyên án là những cán bộ bản lĩnh, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của lãnh đạo Bộ Công an.

Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình tố tụng để có phương án, đối sách phù hợp, nhằm đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. "Khi lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nghe báo cáo, đều thống nhất đây là vụ án khó nhưng phải làm, càng khó càng phải quyết tâm làm", ông Xô nói.

Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, vụ án được khởi tố với mục tiêu đảm bảo thượng tôn pháp luật, để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, đúng phương châm làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, lĩnh vực. Khởi tố vụ án cũng nhằm đảm bảo cho thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính, ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, đúng cơ chế thị trường; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, người gửi tiền; đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh bền vững...

"Chúng tôi khẳng định hoàn toàn không có yếu tố hình sự hóa quan hệ kinh tế xã hội, mà tính thượng tôn pháp luật phải được đảm bảo", người phát ngôn Bộ Công an nói.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an trả lời VnExpress tại họp báo Chính phủ chiều 29. Ảnh: Nhật Bắc

Trước đó, hôm 8/10, bà Trương Mỹ Lan, 66 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an bắt về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng bị điều tra về tội danh này còn có Trương Huệ Vân (34 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor); Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Hồ Bửu Phương (50 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Nhà chức trách xác định, bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019. Công an TP HCM sau đó gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát nguồn gốc 156 bất động sản liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phục vụ điều tra.

Bà Trương Mỹ Lan còn có tên Trương Muội, là doanh nhân, tỷ phú người Việt gốc Hoa. Chồng bà là doanh nhân giàu có trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong. Bà thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát từ năm 1992, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Sau này công ty mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ.

Chủ tịch tập đoàn Vingroup không bị cấm xuất cảnh

Cũng theo người phát ngôn Bộ Công an, sau khi vụ án xảy ra tại tập đoàn đầu tư An Đông bị khởi tố, có rất nhiều thông tin trên mạng tung tin thất thiệt, sai sự thật, mang mục đích xấu, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, kinh tế và các doanh nghiệp.

Trong 10 tháng đầu năm, công an đã khởi tố điều tra 527 vụ án phạm tội trên không gian mạng. Liên quan đến đăng tải thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử, 63 vụ bị khởi tố với 68 bị can, xử phạt 455 đối tượng, gọi hỏi răn đe và yêu cầu khắc phục hậu quả 1.500 người.

Thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục xử lý hành vi tung tin thất thiệt, chủ đích xấu làm ảnh hưởng sự phát triển nền kinh tế, thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng.

"Có thông tin nhân vật của tập đoàn này, tập đoàn kia đang bị theo dõi hay nằm trong tầm kiểm soát, dưới góc độ an ninh kinh tế, tôi có thể nói rằng hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của chúng ta hoạt động ổn định, bình thường", ông Xô nói, thêm rằng "đến giờ phút này, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh như tin đồn sai sự thật".

Theo tướng Xô, Vingroup là doanh nghiệp đóng thuế rất lớn cho Nhà nước, với khoảng 127.000 tỷ đồng trong thời gian qua. Vì vậy, ông đề nghị mỗi người dân có trách nhiệm bảo vệ các hoạt động bình thường của doanh nghiệp, ngăn chặn thông tin sai sự thật, đảm bảo nền kinh tế phát triển.

Đầu tháng 7, Bộ Công an cho biết đang xử lý 9 cá nhân tại 7 địa phương với cáo buộc đưa tin thất thiệt "ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bị cấm xuất cảnh". Người phát ngôn Bộ Công an đề nghị người dân không tin, không lan truyền thông tin từ một số tài khoản mạng xã hội đưa tin không chính xác về người đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán, trái phiếu.

Công an TP HCM xác minh hơn 150 bất động sản liên quan Vạn Thịnh Phát

 

Nguồn tin: Viết Tuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập63
  • Hôm nay22,746
  • Tháng hiện tại317,479
  • Tổng lượt truy cập32,784,004
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây