RÚNG ĐỘNG VỤ ÁN TRƯƠNG MỸ LAN

Thứ năm - 27/10/2022 19:49
tải xuống
tải xuống
Trương Mỹ Lan
Từ một tiểu thương buôn vải tại chợ An Đông, cuộc đời đưa đẩy bà Lan gặp và kết nghĩa được chị em với Trương Thị Hiền – em gái Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và là phu nhân của Hai Nhựt, Bí thư Quận 5 thời đó – mà số phận đã thay đổi 180 độ. Dựa vào gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát đã trở thành tập đoàn khổng lồ, tổng số vốn lên đến hàng tỷ Mỹ kim. Từ đất đai dân nghèo Thủ Thiêm, đến các công sản trung tâm đô thành, lần lượt lọt vào tay tài phiệt Trương Mỹ Lan.
Mới đây, liên quan đến Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đầu Tư An Đông, ngày 08 tháng 10 năm 2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Trương Mỹ Lan và 3 bị can khác có liên quan đến tội “Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản”.
Trương Mỹ Lan và công ty Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan là ai?
Bà Trương Muội, sinh ngày 13 tháng 10, 1956 tại Sài Gòn, xuất thân là người bán vải ở chợ An Đông, Quận 5, liên hệ thân thiết với bà Trương Thị Hiền, vợ ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư Quận 5, cựu chủ tịch và cựu bí thư Thành Ủy. Sau đó bà Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan, giống với bà Trương Mỹ Hoa, chị của bà Trương Thị Hiền, cựu phó chủ tịch nước. 
Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn rồi mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Năm 2007, bà Trương Mỹ Lan sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.
Vạn Thịnh Phát phất lên từ những năm Lê Thanh Hải làm Chủ tịch Thành Hồ. Nhưng phải đến khi ông Hải “chui” được vào Bộ Chính trị và làm Bí thư Sài Gòn,  từ năm 2007, việc thâu tóm bất động sản, đất vàng và các doanh nghiệp liên quan đến VTP mới bắt đầu tại nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc, tạo lập các siêu dự án, sở hữu nhiều dự án tọa lạc ngay trung tâm như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn có hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza… Trương Mỹ Lan cũng bỏ ra hơn 700 tỷ đồng, tương đương 35 triệu Mỹ kim để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp, diện tích gần 3000m2, toạ lạc số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 Sài Gòn. 
Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.
Gia đình
Chồng: Ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.
Con gái: Chu Duyệt Phấn, sinh năm 1994, năm 2016 là Chủ tịch ZS Hospitality Group.
Cháu: Bà Trương Mỹ Lan có hai cháu ruột là ông Trương Lập Hưng (sinh năm 1986) và bà Trương Huệ Vân (sinh năm 1988). Trương Huệ Vân là con ông Trương Chí Trung (người Hoa, cổ đông lớn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và bà Lâm Thị Hòa (người Việt). Trương Huệ Vân đã kết hôn với ca sĩ Thanh Bùi vào năm 2013.
Nhiều vụ bê bối
Ngày 8/10/2022, bà Trương Mỹ Lan bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam: Trương Huệ Vân – tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng – trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trước khi bị bắt, Trương Mỹ Lan với cách sống kín tiếng cùng cả gia tộc, vẫn được biết đến với nhiều vụ bê bối không ai dám đụng tới.
Cáo buộc hối lộ Phạm Quý Ngọ
Có mặt tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng đầu năm 2014, với tư cách là một nhân chứng, Dương Chí Dũng khai đã nhận của bà Lan 20 tỷ đồng (1 triệu USD) để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an liên quan đến việc đưa hối lộ “lót tay” cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4) sau khi Cảng Sài Gòn di dời.
Xin thôi Quốc tịch Việt Nam
Giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hòa đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. 
Sau đó những người này đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và đã được trả lại vào tháng 6 năm 2015.
Có tên trong hồ sơ Panama
Theo dữ liệu công bố trong Hồ sơ Panama vào tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), cả hai thể nhân Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan đều là người thụ hưởng (beneficiary) của EurAsia ID Concept Group Limited – công ty có địa chỉ đăng ký tại “thiên đường thuế” British Virgin Islands và có liên quan tới Multi-Check Limited.
Nhiều uẩn khúc trong những cái chết đột ngột
Tối ngày 10/10, các trang như Pháp luật, Vietnamnet, Vietstock, Viez,.. bất ngờ đưa tin về cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, 39 tuổi. Bà Hồng cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng SCB. Nhưng chỉ vài tiếng sau, họ đồng loạt gỡ bài đó xuống.  Trước đó, ngày 6/10 một thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng SCB khác cũng chết đột ngột là Nguyễn Tiến Thành – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 
Có nhiều điều bất thường trong việc một bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát được thông báo là đã chết và việc này sẽ khiến việc điều tra vụ trọng án này gặp nhiều khó khăn, một luật sư từ Hà Nội nói.
Hình ảnh cáo phó được báo chí chụp lại cho thấy bà Hồng qua đời vào lúc 3:30h ngày 9/10, tức là chỉ hai ngày sau khi bị bắt tạm giam cùng các bị can khác trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, cho đến giờ, cơ quan công an vẫn chưa thông báo gì về cái chết của bà Hồng, còn bản tin về cái chết của bà trên các báo cũng bị rút lại không rõ nguyên do. Việc các báo chỉ rút tin mà không đính chính càng khiến dư luận nghi ngờ cái chết của bà Hồng là sự thật.
Bản tin trên báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, nơi đầu tiên đưa tin bà Hồng đã chết, không nói rõ nguyên nhân cái chết cũng như bà chết trong trường hợp nào, ở nhà riêng hay ở trại giam.
“Còn trẻ và khỏe”
Ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến từng thụ án tù về tội “Trốn thuế”, nhận định rằng “có nhiều điều bất thường quanh cái chết của bà Hồng”.
Từ trái là bà tỷ phú Trương Mỹ Lan, cháu ruột Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, và Hồ Bửu Phương. Họ bị công an bắt hôm thứ Bảy, 8/10/2022. Sáng Chủ Nhật, Nguyễn Phương Hồng bỗng chết trong nhà giam. Chưa rõ ba người kia có còn sống trước ngày ra tòa hay không.  
 
Theo phân tích của ông thì khi bị bắt bà Hồng vẫn còn trẻ và “chắc chắn còn khoẻ”.
“Cô ấy khỏe là vì người ta không bắt những người bệnh tật, ốm đau mà có thể phương hại đến tính mạng ngay lập tức”, luật sư giải thích và lưu ý từ ngày bà Hồng bị bắt cho đến khi bà được thông báo là qua đời chỉ có 2 ngày.
Ông chỉ ra việc ở Việt Nam một số bị can có thể viện lý do sức khỏe hay phải chữa bệnh để từ chối làm việc với cơ quan điều tra, hầu tòa hay tham gia các hoạt động tố tụng khác, chưa nói đến bị bắt tạm giam.
Điều bất thường nữa là việc báo chí loan tin về cái chết này nhưng lại rút bài xuống chỉ sau vài tiếng, ông nói, và việc đám tang của bà bị công an, dân phòng canh gác không cho mọi người đến gần để chụp ảnh.
Do đó, ông loại trừ khả năng bà Hồng chết “vì lý do tự nhiên”. “Khả năng cô ấy tử vong do tác động bên ngoài là rất cao”, luật sư Quân nhận định.
“Không dễ dàng chết ở trong tù nếu không có ai sát hại vì ngay cả một mẩu sắt nhỏ hay một sợi dây nhỏ cũng luôn bị kiểm soát và bị coi là vi phạm nếu ai đó có thể đem vào trong được”, vị luật sư này, vốn cũng từng ở trong trại giam Việt Nam, phân tích để loại trừ khả năng bà Hồng tự tử.
Về khả năng bà Hồng bị ám toán, ông Quân nói trên lý thuyết bà phải được công an “bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt”, nhất là trong giai đoạn đầu điều tra, vì “bà ấy đang liên quan đến vụ án hết sức nghiêm trọng với vai trò, vị trí hết sức quan trọng”.
“Điều kiện ám toán ở trong trại giam Việt Nam là hoàn toàn có thể với điều kiện phải có được sự đồng ý hay tiếp tay của cán bộ trại giam, hoặc là từ cấp cao nhất, hoặc là cả dây chuyền”, ông nói thêm.
Ông dẫn ra Luật Thi hành án Hình sự và Luật Tạm giam, Tạm giữ vốn quy định rằng một khi có cái chết trong trại giam thì công an phải tiến hành điều tra, khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân, tìm hiểu xem có dấu hiệu phạm tội hay không và nếu có thì phải khởi tố vụ án.
Ngoài ra, luật còn quy định cán bộ trại giam phải làm thủ tục khai tử, thông báo cho Viện Kiểm sát, thông báo cho thân nhân trong vòng 24 tiếng và nếu có đơn của thân nhân xin đưa thi thể về nhà thì phải xem xét giải quyết.
Ông cho rằng các thủ tục này có thể hoàn thành nhanh chóng trong vòng 1 hay 2 ngày. Khung thời gian đó cũng phù hợp với từ lúc bà Hồng bị bắt đến khi được thông báo là đã chết.
Sau khi bà Hồng qua đời, theo luật, phải đình chỉ điều tra những việc liên quan đến bà, ông nói. “Nếu bà là mắt xích quan trọng thì mắt xích này sẽ bị chặt đứt, mọi đầu mối dẫn đến bà ấy đều bị tắc”, ông cho biết.
Theo lời luật sư Quân thì kẻ được lợi trong cái chết bí ẩn của bà Hồng là “những người muốn gây khó khăn cho quá trình điều tra, có thể là những thế lực hắc ám đứng sau bà Hồng, những kẻ đã thực hiện hành vi phạm tội từ trước đến giờ với bà Hồng”.
Về sự an nguy của các bị can còn lại trong vụ án, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, ông Quân nói “chắc chắn sẽ có chỉ đạo từ cấp rất cao ở Bộ Công an và thậm chí cả Bộ Chính trị để cho tính mạng của bà Lan và các can phạm khác được đảm bảo và quá trình điều tra được trôi chảy”.
Đại án kinh tế hay động đất chính trị?
Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam.
Vụ bắt giữ bà Lan đã gây xôn xao dư luận vì trước giờ bà Lan được biết đến như là “nhân vật không thể đụng đến”. Bất chấp tai tiếng về hối lộ cả triệu đô la cho cố Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, những ồn ào về việc có tên trong hồ sơ Panama hay lùm xùm quanh việc xin thôi quốc tịch Việt Nam, suốt nhiều năm qua bà Lan vẫn bình an vô sự.
Do đó, dù vụ án được tuyên bố là án kinh tế, nhưng nhiều người cho rằng mục tiêu thực sự đằng sau việc bắt giữ bà Trương Mỹ Lan là “thanh trừng chính trị”.

Bà Lan sở hữu nhiều khu đất vàng với vị trí vô cùng đắc địa ở TPHCM mà nhiều người thèm muốn nhưng không rõ làm sao bà thâu tóm được. Thời kỳ Vạn Thịnh Phát của bà phất lên như diều gặp gió cũng là giai đoạn ông Lê Thanh Hải là người có quyền lực bao trùm thành phố lớn nhất nước.
Vụ án được cho “có liên hệ lớn đến nhiều quan chức chóp bu đã nghỉ hưu lẫn đương chức” và “đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Bộ trưởng Công an Tô Lâm phải xử lý quyết liệt vụ này”.
Vụ bắt giữ xảy ra sau khi ông Trọng cùng với nhiều ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ông Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, bay vào làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là họp Hội nghị Trung ương 6.
Trên mạng xã hội, một tài khoản có tên là “Sức mạnh Việt Nam” chuyên đăng những bài viết ca ngợi Đảng CSVN, tung hô chế độ đã đăng bài có tiêu đề “Trương Mỹ Lan sa lưới pháp luật” trong đó đề nghị “cơ quan chức năng mở rộng điều tra để xem những khu đất vàng đã thuộc về bà ấy có hợp pháp hay không? Liệu có đại quan nhân nào đứng sau để chống lưng cho Vạn Thịnh Phát hay không?”.
Cũng trên Facebook, nhà báo Lưu Trọng Văn nhận định rằng “Cái gì đến sẽ phải đến”.
“Tai tiếng về các cuộc ngang nhiên cướp đoạt, xí phần, hớt tay trên các tập đoàn khác để chiếm các miếng mồi đất đai, dự án ngon ăn nhất, béo bở nhất của bà trùm cũng không bất cứ ai dám ho he”, nhà báo này lên án bà Trương Mỹ Lan.
“Liệu lần này khi bà trùm bị xét xử thì những kẻ trùm cuối – rắn chúa có bị lên đoạn đầu đài không?” ông Văn đặt vấn đề và bày tỏ nghi ngờ rằng “nếu cái cơ chế sinh ra rắn chúa không bị hành quyết thì… vẫn chỉ là chuyện nước vẩy đầu vịt… vì rắn chúa khác lại ra đời”.
Ông Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến ở Hà Nội, cũng cho rằng vụ bà Trương Mỹ Lan “là một vụ án chính trị rất là to”.
Ông bày tỏ nghi ngờ về con đường làm giàu cực kỳ nhanh chóng của bà Lan trong điều kiện Việt Nam: “Những người phất nhanh thường đều là cánh hẩu của các quan chức”. 
Theo lập luận của ông, các đại gia ở Việt Nam phất nhanh chắc chắn “sau lưng đều có quan chức chống lưng” và các vụ án thoạt đầu là án kinh tế nhằm vào các đại gia cuối cùng cũng là “đụng tới vị quan chức nào đó”.
Trong trường hợp bà Lan, ông A cho biết ông đã nghe dư luận lâu nay là bà Lan “có quan hệ rất thân thiết với các lãnh đạo trước kia của TPHCM”.
“Những lời đồn của dân có từ lâu thì khá là chính xác”, ông cho biết.
Giải thích tại sao bà Lan có thể tung hoành ở thành phố lớn nhất nước một thời gian dài như vậy, ông A cho rằng “do hệ thống bị lỗi”.
“Trên cùng là một ông vua, đến các quan bên dưới có quyền lực đối với người dân ở địa phương mà không có thiết chế gì để giám sát các ông ấy cả”, ông A nói. “Lãnh đạo TPHCM là một nơi rất to thì quyền hành của ông ấy kinh lắm”.
“Chính hệ thống như thế sinh ra chuyện là không cần minh bạch (trong việc thâu tóm đất đai) vì nếu tôi là người quen, tôi là cánh hẩu của ông đó thì có chiếm được đất vàng bằng thủ đoạn đi nữa thì cũng không có báo chí nào dám phanh phui”, ông lý giải.
Riêng việc gian lận trong phát hành trái phiếu, ông A chỉ ra không chỉ bà Lan mà các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán cũng phải có trách nhiệm vì đã phê duyệt cho bà Lan được phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân.
San Hà 

Nguồn tin: San Hà 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập49
  • Hôm nay11,589
  • Tháng hiện tại427,632
  • Tổng lượt truy cập32,411,355
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây