Trung Quốc từ đối tác lâu năm đến đối thủ của Đức

Thứ hai - 21/09/2020 04:27
Mối quan hệ đối tác gắn bó hàng thập kỷ giữa Đức và Trung Quốc đang dần xa cách, đe dọa tham vọng phục hồi hậu đại dịch của Berlin.
Trung Quốc từ đối tác lâu năm đến đối thủ của Đức
Đức từng là bên cung cấp những thiết bị, máy móc hiện đại giúp tạo động lực cho nền kinh tế Trung Quốc, đổi lại mối quan hệ với Bắc Kinh cũng giúp nền kinh tế của Berlin phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Đức nói rằng mô hình giúp đỡ lẫn nhau này không còn hiệu quả nữa, khi Bắc Kinh đang dần chuyển từ đối tác thành đối thủ của Berlin.
Nhiều nhà kinh tế học nhận định Đức sẽ chứng kiến mức sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5,8% đến 7,1% trong năm nay. Đây là mức giảm được đánh giá tốt hơn hầu hết nền kinh tế phương Tây khác, nhưng lại kém hơn nhiều so với Trung Quốc, dự kiến có mức tăng trưởng 2,5%.
Các nhà xuất khẩu Đức đang được hưởng lợi nhờ thương mại quốc tế phục hồi, nhưng họ lại không nhận được động lực từ phía Trung Quốc như cách đây một thập kỷ. Xuất khẩu Đức từ tháng 6 tới tháng 7 đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn 11% so với một năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc đã vượt qua mức năm ngoái trong vòng hai tháng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 9/2019. Ảnh: Xinhua.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế học Đức nói rằng sự khác biệt này một phần là do Bắc Kinh tung chiến lược khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chế tạo các thiết bị phức tạp hơn, có khả năng cạnh tranh hơn với hàng hóa cao cấp của Đức.
Đối với nhiều nhà xuất khẩu Đức, điều này không chỉ có nghĩa việc bán hàng ở Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, mà các công ty của quốc gia châu Á này ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh ở khắp mọi nơi.
Một công ty có thể cảm nhận được thực tế này là Herrenknecht AG. Trong 15 năm đầu thế kỷ 21, nhà sản xuất các cỗ máy đào hầm cao cấp của Đức đã trở thành trụ cột chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khắp châu Á, như các đô thị lớn từ Bắc Kinh tới Thượng Hải.
Doanh thu từ công ty gia đình này đã tăng gần gấp 7 lần trong giai đoạn 2000-2015, lên mức khoảng 1,5 tỷ USD, với 1/5 trong số đó đến từ Trung Quốc, tạo ra hàng nghìn việc làm tại các cơ sở sản xuất ở tây nam Đức.
Nhưng hơn 4 năm qua, doanh thu hàng năm của Herrenknecht đã giảm khoảng 5%. Nhiều công ty xây dựng lớn của Trung Quốc đã tự chế tạo máy đào và không cần mua máy móc của Herrenknecht. Robbins Co., công ty ở Ohio và là đối thủ lớn trong thị trường sản xuất máy móc, gần đây đã hợp nhất với Tập đoàn Công nghiệp nặng Phương Bắc của Trung Quốc.
"Các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết trên thị trường quốc tế, khi đưa ra mức giá thấp bất thường", Achim Kuehn, người phát ngôn của Herrenknecht. "Châu Âu không khỏi bất ngờ trước tốc độ phát triển nhanh của họ".
 
Công nhân đang lắp ráp hệ thống tàu điện ngầm ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hồi tháng 7. Ảnh: Xinhua.
2020 có thể đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Đức với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là trọng tâm trong chính sách ngoại giao toàn cầu của Berlin.
Trong gần hai thập kỷ, Trung Quốc cần tới robot công nghiệp, thiết bị nhà máy và phương tiện của Đức để trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới. Các công ty Đức coi mức tăng trưởng doanh thu hai con số ở thị trường Trung Quốc là điều hiển nhiên. Vài năm đầu thế kỷ 21, mức doanh thu này giúp Đức trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng trên cả Mỹ và Trung Quốc. Nó cũng cho phép Đức duy trì ngành sản xuất trong nước ngay cả khi hàng loạt công ty công nghiệp ở Mỹ và nhiều nơi khác chuyển tới Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc hiện cung cấp tuabin gió cho Pháp, xe buýt cho Na Uy, mạng lưới điện ở Ba Lan và máy móc công nghiệp tiên tiến trên khắp thế giới. Tại thủ đô Thụy Điển, một tập đoàn của Trung Quốc gần đây đã giành được hợp đồng đào ba đường hầm cho hệ thống tàu điện ngầm của Stockholm.
Trong các phân khúc sản xuất quan trọng, bao gồm thiết bị cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với công ty Đức, theo Karl Haeusgen, chủ tịch HAWE Hydraulik SE, công ty phải cạnh tranh nhiều hơn với Trung Quốc về mặt hàng van và bơm thủy lực, được sử dụng trong tuabin gió và máy móc.
"Trung Quốc không phải là quốc gia đang phát triển. Hoàn toàn không phải. Đây từ lâu đã là một quốc gia sản xuất hàng đầu", Haeusgen nói.
Nhờ việc chính phủ nhanh chóng kiểm soát Covid-19 và tung ra nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế, các nhà xuất khẩu Trung Quốc ngày càng chiếm thị phần xuất khẩu toàn cầu lớn hơn, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tê liệt vì đại dịch.
"Việc công ty Trung Quốc vươn lên vị trí số một chỉ là vấn đề thời gian", Ulrich Ackermann, giám đốc điều hành về ngoại thương của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí VDMA, nói.
Thị phần của Đức về hàng hóa kỹ thuật cơ khí, lĩnh vực sử dụng khoảng 1,3 triệu lao động, đã giảm từ 19,2% xuống 16,1% trong giai đoạn 2010-2018, trong khi Trung Quốc tăng từ 8,5% lên 13,5%, theo dữ liệu của VDMA.
Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng thị phần trong các thị trường toàn cầu có liên quan nhất tới các công ty kỹ thuật của Đức, như cơ sở hạ tầng, theo báo cáo tháng trước của công ty luật Baker McKenzie.
Hồi tháng 12 năm ngoái, tập đoàn kỹ thuật Trung Quốc CRRC Tangshan Co. đã giành được hợp đồng gần 60 triệu USD để lắp ráp 18 chuyến tàu cho mạng lưới giao thông đường sắt hạng nhẹ Metro do Porto ở Porto, thành phố lớn thứ hai Bồ Đào Nha. Đây là hợp đồng đầu tiên mà công ty Trung Quốc giành được trong lĩnh vực này ở Liên minh châu Âu, đánh bại Siemens AG của Đức cùng nhiều đối thủ khác.
Jorge Morgado, người phát ngôn của Metro do Porto, nói rằng Trung Quốc giành phần thắng vì các yếu tố như giá thành, chất lượng kỹ thuật và thiết kế. Giá bỏ thầu Trung Quốc đưa ra thậm chí thấp hơn khoảng 7,7 triệu USD so với ước tính ban đầu của Metro do Porto.
Stefan Brandl, giám đốc điều hành tập đoàn ebm-papst, chuyên phát triển quạt và động cơ điện dùng trong ô tô và thiết bị gia dụng, ba năm trước đã nhận thấy chất lượng các sản phẩm cạnh tranh của Trung Quốc ngày càng tăng.
Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng thứ hai của tập đoàn này, sau Đức, nhưng doanh số bán hàng ở đây đã đình trệ trong nhiều tháng qua, thậm chí trước khi đại dịch bùng phát, sau thời gian thường xuyên giữ mức tăng trưởng hai con số.
Các gian hàng trưng bày của Trung Quốc tại hội chợ triển lãm thương mại hàng đầu thế giới Hannover năm ngoái chiếm tới 20%, tăng mạnh so với mức 13,5% năm 2015, theo ban tổ chức sự kiện.
Năm 2019, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2015, theo số liệu chính phủ. Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch, các công ty Đức cũng không được hưởng lợi nhiều như sau khủng hoảng tài chính năm 2008, theo Brandl. Ông ước tính doanh thu tại thị trường Trung Quốc năm nay sẽ giảm khoảng 3-4% và chỉ trở lại mức dự kiến vào năm sau.
Nhiều công ty kỹ thuật cỡ vừa của Đức, thường do gia đình sở hữu hoặc được ngân hàng tài trợ, đang phải cạnh tranh với các công ty lớn của Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn, theo Sebastian Bauer, giám đốc điều hành của Bauer Maschinen GmbH, nhà sản xuất thiết bị công nghiệp ở Bavaria.
"Máy móc công nghiệp không phải mặt hàng xa xỉ. Khách hàng sẽ quan tâm cả chất lượng và giá thành", Bauer nói.
Ngay cả ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng lâu nay của Đức cũng không nằm ngoài xu hướng này. Công ty công nghệ CATL của Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. CATL đã xây dựng một nhà máy ở Đức, với diện tích gấp ba lần Gigafactory của Tesla để cung cấp sản phẩm cho các nhà sản xuất ô tô của châu Âu.
Bosch GmbH, nhà cung cấp thiết bị ô tô lớn nhất thế giới, cho biết sẽ không sản xuất pin xe điện mà hợp tác với CATL.
Giới phân tích ước tính pin chiếm khoảng 40% giá thành của ô tô điện. Chính phủ Đức nhận định trong một báo cáo năm ngoái rằng một nửa trong số 870.000 việc làm ngành ô tô của quốc gia này sẽ biến mất khi chuyển sang xe điện.
Năm ngoái, Bogestra AG, công ty vận tải công cộng ở các thành phố Bochum và Gelsenkirchen, đã trở thành công ty đầu tiên đặt hàng 20 xe buýt điện từ Trung Quốc. Một người phát ngôn của công ty cho biết quyết định này đưa ra dựa trên giá thành, chi phí vận hành và chất lượng.
Quan chức Đức gần đây đề xuất lập trường ngoại giao cứng rắn hơn Trung Quốc. Họ nói rằng Đức sẽ chuyển trọng tâm sang các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, giữa lúc có nhiều tranh cãi với Trung Quốc về nhiều vấn đề, từ tiếp cận thị trường tới nhân quyền.
Norbert Rottgen, đồng minh chính trị của Thủ tướng Angela Merkel và là người chỉ trì ủy ban đối ngoại của quốc hội Đức, nói Trung Quốc chỉ cần Đức chừng nào Berlin vẫn giữ được ưu thế về công nghệ.
"Tôi sợ rằng cánh cửa này đang đóng lại. Trung Quốc đang ngày càng thể hiện nhiều hơn vai trò lãnh đạo công nghệ, trong khi chúng tôi đang chững lại", ông nói.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập28
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,038
  • Tổng lượt truy cập36,331,593
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây