Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương

Thứ năm - 02/04/2015 22:18

Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương

Người đàn ông kỳ lạ vẫn ngồi im lặng với bát phở không thịt, với món quà của tôi và những giọt nước mắt. Tôi nghĩ, ông sẽ không thể dùng bữa như cách thông thường nữa…

Tôi bước vào quán và gọi cho mình một tô phở bò. Quán ồn ào giữa cái nắng oi bức của một ngày giữa tháng 7 năm 2014. Tiếng quạt điện chạy vù vù, tiếng thực khách cười nói râm ran, tiếng nhân viên phục vụ hò nhau í éo, tiếng bát đũa chạm vào nhau lanh canh… tạo nên thứ âm thanh ồn ã.

Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương

Hơi nóng mùa hè dường như tan dần từ cửa quán và hết hẳn ở bàn ăn. Tôi khoan khoái đặt chiếc ba lô xuống sau quãng đường dài gần 100km bằng xe máy và hành trình hãy còn tiếp tục.

Chưa đầy 3 phút sau, bát phở bốc khói nghi ngút với hương thơm ngào ngạt, màu sắc hấp dẫn của phở, của thịt, của rau đặt trước mặt tôi kèm một cốc trà xanh mát lành. Đang chăm chú thưởng thức hương vị của bữa trưa, tôi bỗng nghe thấy trong khu bếp có tiếng hai người phụ nữ thì thầm trò chuyện.

- Xin cơm à?

- Không, chỉ xin cháy thôi.

- Nhỡ xe hay giả bộ xin ăn thôi nhỉ?

- Úi dào, đầy người khỏe mạnh còn lăn lê như tật nguyền kia kìa, cứ là chả tin ai được.

Tôi đưa mắt nhìn người đàn ông đang khúm núm ngoài vỉa hè. Ông chừng hơn 50 tuổi, thân hình gầy ốm nhưng không quá khắc khổ. Làn da rám nắng trong bộ quần áo đã cũ sờn bắt đầu túa mồ hôi trong cái nóng đặc quánh của mùa hè. Gương mặt ông hiền lành, cúi gằm xuống đất, hai tay nắm chặt nhau và không hề động đến bất cứ vật gì trên bàn, dù tôi biết chắc ông đang khát nước. Đây hẳn là một lão nông dân giữa đường nhỡ tàu, nhỡ xe chứ chẳng thể là người bất lương được?

Bà chủ quán ra hiệu cho ông vào trong nhà ngồi. Ông rón rén ngồi xuống ghế. Một bát phở đặt trước mặt ông nóng hổi nhưng là… bát phở không thịt. Ông cẩn trọng đưa hai tay đỡ lấy, ánh mắt rưng rưng nhìn chủ quán biết ơn. Ông ăn từng miếng ngon lành, vội vã khiến cho tôi có cảm giác đây là bữa ăn ngon nhất mà ông từng có.


Tôi mỉm cười an lòng với bà chủ quán trước khi trả tiền. Dù là một bát phở không thịt nhưng cũng giúp một người qua bữa trưa hôm nay. Tôi muốn gửi ông chút tiền làm lộ phí nên hỏi thăm ông trước khi lên đường.

- Chú ở đâu đến? Chú bị nhỡ xe hay sao mà đi một mình đến đây?

Người đàn ông im lặng bắt đầu lắp bắp, không thành lời.

 Chắc chú ra thăm họ hàng rồi? - Tôi hỏi tiếp.

Ông nhìn tôi, nhìn mọi người xung quanh rồi cúi xuống nói từng chữ run rẩy

- Em… em… đi tù 7 năm mới về.

...

Dường như không chỉ tôi mà tất cả mọi người trong quán đều tỏ vẻ ngỡ ngàng trước câu chuyện của người đàn ông kỳ lạ. Tôi được biết nhà ông ở làng này nhưng ông đã bỏ đi biệt xứ nhiều năm nay và trở về sau 7 năm ở tù.

Ông không còn người thân hoặc có thể họ không còn nhận ông nữa. Hai tiếng “ĐI TÙ” cứ vọng đi vọng lại bên tai tôi, vừa rõ ràng rành rọt, vừa trần trụi đến chua chát, vừa đáng thương đến xót xa. Sao ông không nói bất kỳ lý do nào khiến người khác không cảm thấy sợ hãi hay kỳ thị. Dù người ta nghĩ mình bị lừa vẫn có thể cho ông một bát phở cơ mà.

Ảnh minh họa

Tôi không hỏi ông lý do ông phải lâm vào chốn tù tội nhưng tôi cảm nhận được sự lương thiện vẫn còn hiện rõ trong ánh mắt, lời nói kia. Tôi xách ba lô lên và tiến về phía ông:

- Cháu có chút tiền biếu chú. Đây là tấm lòng của cháu, mong chú từ nay sống thật tốt.

Ông nhìn tôi bất động, tay vẫn cầm đũa, tay cầm thìa, những sợi phở trắng ngần vừa đưa ra khỏi bát cũng bất động. Đôi mắt ông đỏ hoe ầng ậc nước. Rồi ông buông tay ôm đầu khóc nức nở. Khoảnh khắc ấy chạm đến trái tim tôi một cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Tôi bối rối quá đặt tiền cạnh bát phở của ông và nhanh chóng đi ra ngoài.

Tôi lên xe. Người đàn ông kỳ lạ vẫn ngồi im lặng với bát phở không thịt, với món quà của tôi và những giọt nước mắt. Tôi nghĩ, ông sẽ không thể dùng bữa như cách thông thường nữa mà thực sự đang đón nhận sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng mà ông mặc cảm tội lỗi trong quá khức không dám đón nhận!

Tôi bật khóc khi thấy lòng hạnh phúc quá đỗi. Hôm đó, tôi đang trên đường đi làm từ thiện nhưng chính ông đã giúp tôi hiểu sâu sắc: bản chất lương thiện của con người có thể được nuôi dưỡng bằng tình thương chân thành. Tôi tin ông sẽ sống tốt!

Berry Phan

 

Ngày đáng sống

Đó không phải quá khứ, bởi ngày hôm qua chỉ là những giấc mộng hão huyền và ngày mai là những ảo vọng xa xôi.

Vậy ta chỉ còn duy nhất một ngày để sống và đáng sống. Đó là ngày hôm nay, ngay giờ phút này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trước khi viết ra những dòng này tôi cũng giống bạn, thường thở dài và ôm nhiều nỗi sầu. Nhiều thời gian trong ngày tôi dành ra để tiếc nuối thời quá vãng cùng bài ca “giá như”.

Stephen Leacock từng viết: “Cuộc đời chúng ta thật kì lạ! Các cậu bé thì mơ ước mình lớn thêm vài tuổi nữa. Các chàng trai thì ao ước mình đã trưởng thành. Lúc trưởng thành rồi thì lại nói: Giá mà tôi đã kết hôn rồi! Sau khi kết hôn rồi anh ta lại nói: Giá mà bây giờ mình được nghỉ ngơi! Cuối cùng, khi nghỉ ngơi rồi thì mới nhìn lại quãng đời đã qua. Trong lòng cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Bởi vì anh ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội trong đời. Khi nhận ra được thì đã quá muộn mất rồi!”.

Tôi muốn mượn câu chuyện về Edward s. Evans trong cuốn sách “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” để cho bạn hiểu rõ hơn cuộc sống chính là sống từng ngày, từng giờ, từng phút của hiện tại.

Edward s. Evans xuất thân từ gia đình nghèo khó, ông khởi nghiệp bằng nghề bán báo, sau đó làm nhân viên ở một cửa hàng tạp hóa và làm thêm ở thư viện. Tiền lương làm thêm rất bèo bọt nhưng ông không dám bỏ việc vì phải nuôi gia đình có tới bảy miệng ăn. Cứ như thế cho đến 8 năm sau, ông mới dám khởi nghiệp từ 55 đô la đi mượn để kinh doanh. Chỉ trong một năm, vốn kinh doanh của ông đã lên tới 20.000 đô la.

Tuy nhiên, tai họa ập đến khi ông đứng ra bảo lãnh một khoản tiền lớn cho người bạn kinh doanh nhưng anh ta bị phá sản. Cùng lúc đó, ngân hàng mà ông gửi toàn bộ tiền bị vỡ nợ. Không những mất tiền từng ngày, từng giờ ông phải ôm thêm khoản nợ 16.000 đô la.

Ông ăn không ngon, ngủ không yên, sau đó là bán thân bất toại, nằm một chỗ, khắp mình lở loét.

Bác sĩ điều trị nói rằng ông không thể sống quá hai tuần nữa. Ông sợ hãi vô cùng, sau khi viết xong di chúc, ông nằm chờ chết. Ông ngủ liên tục trong hai tuần so với trước kia một ngày ông ngủ không đầy hai giờ đồng hồ. Ông rũ bỏ mọi âu lo và ngủ say như một đứa trẻ.

Không hiểu sao mọi điều phiền muộn đều tiêu tan cả, ăn uống cũng ngon miệng hơn, ông còn tăng cân nữa. Chỉ hai tuần sau ông đã chống gậy và đi lại. Sáu tuần sau ông đi làm trở lại. Chỉ vài năm sau, ông trở thành lãnh đạo một công ty lớn.

Câu chuyện trên là minh chứng cho giá trị của việc tận hưởng cuộc sống hiện tại. Ngày hôm nay là thực tại và ngày hôm nay mới chính là cuộc đời. Cho dù ngày hôm nay có ngắn ngủi nhưng nó chứa đựng những khoảnh khắc cho bạn cảm nhận rõ ràng nhất về sự sống đang vận động và nghe rõ từng nhịp thở của chính mình.

Có người nói: “Nhiều người chỉ nghĩ đến bánh mì phết mứt của ngày hôm qua và ngày mai mà quên đi món ăn ngon lành của ngày hôm nay”. Lẽ thường, mọi người đều như vậy cả.

Từ những năm 30 trước Công nguyên, một bài thơ của Horace có đoạn:

Những con người có thể làm chủ ngày hôm nay,

Là những người biết uống hạnh phúc trong cuộc sống;

Với tâm hồn bình thản mà hô to lên rằng:

Cho dù ngày mai có khắc nghiệt đến đâu,

Thì tôi cũng cố sống cho trọn vẹn ngày hôm nay.

Thời gian trôi đi như gió thoảng và đời người chẳng khác nào cát bụi. Ném đi những mơ hồ, xa xôi; gạt bỏ những cái đã qua, những mong chờ ngày mai đến thì ngay lúc này, giây phút này là tài sản quý báu nhất và cũng là duy nhất mà chúng ta có.

 


 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập34
  • Hôm nay16,269
  • Tháng hiện tại337,744
  • Tổng lượt truy cập35,984,089
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây