Khi các đại tập đoàn công nghệ Mỹ ‘thoả hiệp’ với chính quyền Việt Nam

Thứ hai - 21/12/2020 08:49
Khi các đại tập đoàn công nghệ Mỹ ‘thoả hiệp’ với chính quyền Việt Nam

Các tập đoàn công nghệ của Mỹ đang ngày càng có được lợi nhuận cao ở thị trường Việt Nam nơi có hàng chục triệu người dùng nhưng cũng đang ngày càng làm người dùng "thất vọng" vì sự chấp hành tăng cao với yêu cầu của chính quyền trong kiểm duyệt thông tin.

Sau hơn 10 năm vào Việt Nam, Facebook đã giúp “khai dân trí” người Việt và trở thành diễn đàn lớn nhất cho các tiếng nói phản biện ở quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền có nền truyền thông “một chiều” do nhà nước quản lý. Cùng với YouTube, các nền tảng mạng xã hội này ngày càng được phổ biến như ngày càng tăng cao lợi nhuận tại Việt Nam, nơi có hơn 96 triệu dân. Nhưng để giữ được thị trường “béo bở” này, họ đang làm nhiều người dùng ở Việt Nam “thất vọng” khi bị cáo buộc “đặt lợi nhuận lên hàng đầu” và “thỏa hiệp” với chính quyền trong việc kiểm duyệt thông tin.

Sáng sớm hôm diễn ra cuộc bố ráp của công an Hà Nội tại làng Đồng Tâm, 9/1, blogger Bùi Thị Minh Hằng thực hiện một livestream cuộc điện thoại của chị với một người cháu của cụ Kình đang có đứa con 3 tháng tuổi bị ngạt hơi cay, khi lực lượng anh ninh tấn công vào đây. Các đăng tải trực tiếp của chị trên cả Facebook và YouTube bị xoá ngay sau đó.

Vài tiếng sau khi thực hiện livestream, chị bị công an tới tận nhà bắt giữ và bị câu lưu trong 8 giờ đồng hồ. Tại đồn công an, chị Hằng, người từng thụ án tù 3 năm về “tội gây rối trật tự công cộng” và một trong 20 nữ tù nhân được đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ vinh danh, bị tra hỏi về những đăng tải của chị trên mạng xã hội.

“Trong năm 2019, một năm có 12 tháng thì tôi bị khoá tài khoản (trên Facebook) tổng cộng trong 9 tháng và bất cứ một tài khoản phụ nào tôi lập ra đều bị đánh sập”, chị Hằng nói với VOA và cho biết những đăng tải của chị bị xoá có nội dung “liên quan đến chính quyền”.

Tôi thường xuyên bị Facebook gỡ các bài viết mà không thông báo lý do.
Trương Châu Hữu Danh, nhà báo và Facebooker


Những thông báo của Facebook gửi cho chị Hằng được chị cung cấp cho VOA cho thấy các bài viết của chị – bao gồm việc công an đến nhà bắt chị hay thông tin về việc chính quyền khám xét nhà khi bắt giữ nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thuỵ – đều được cho là “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” mà chị Hằng khiếu nại nhưng không nhận được phản hồi.

Chị Hằng là một trong số những người dùng mạng xã hội ở Việt Nam mà VOA phỏng vấn cho bài viết này – trong đó có các nhà báo, Facebooker, nhà hoạt động xã hội và blogger chuyên viết bài phản biện – và họ đều cho biết từng bị gỡ bài, xoá đăng tải hoặc khoá tài khoản cũng như chứng kiến hiện tượng này diễn ra phổ biến đối với nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua.

“Tôi thường xuyên bị Facebook gỡ các bài viết mà không thông báo lý do”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, người thường có các đăng tải phản biện xã hội trên Facebook tập trung nhiều vào sai phạm của các quan chức địa phương, cho biết. “Họ chỉ nói là do luật địa phương”.

Nhà báo có gần 168.000 người theo dõi trên Facebook nói rằng các bài viết của anh “bị gỡ” nhiều, liên tục trong 2 năm qua, kể từ khi câu chuyện đấu tranh chống BOT (trạm thu phí giao thông) “bẩn” ở Việt Nam.

Các bài viết của nhà báo này về vụ tham nhũng ở Bình Dương, với lượng theo dõi và tương tác lên đến hàng nghìn lần, cũng bị xoá vì “bị giới hạn do luật địa phương”.

“Tôi khiếu nại họ không trả lời hoặc họ im luôn”, anh Danh cho biết. Facebooker này bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 17/12 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, một ngày sau khi anh trả lời phỏng vấn của VOA.

“Hiện tượng này phổ biến ở Việt Nam”, Đoàn Bảo Châu, một blogger chuyên viết bài phản biện xã hội từng bị gỡ bài một vài lần sau đó được khôi phục, cho biết. “Bạn bè tôi nhiều người nói bị gỡ bài trên Facbeook, thậm chí bị khoá tài khoản do viết về những vấn đề nhạy cảm, có sự chỉ trích đối với chính quyền”.

Quyền tự do biểu đạt đã nở rộ trên Facebook và YouTube ở Việt Nam, nơi nhà nước nắm quyền kiểm soát truyền thông chính thống và dùng nó làm công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản, trong một thập kỷ qua.


Anh Châu cho biết, với lượng người theo dõi lớn – hơn 120.000, anh được các tổ chức nhân quyền quốc tế đưa vào danh sách các tài khoản được bảo vệ ở Việt Nam nên không còn bị xoá bài nữa.

Giống như anh Châu, một blogger thường xuyên viết bài phản biện xã hội, Nguyễn Lân Thắng, cũng được đưa vào danh sách kể trên nhưng trước đó vài năm, anh thường xuyên “bị gỡ bài, khoá tài khoản mà không được thông báo”.

Vào năm ngoái nhạc sỹ Tuấn Khanh, người cũng thường xuyên có các đăng tải phản biện xã hội, lên tiếng phản ứng chuyện Facebook chèn ép người dùng và “thoả hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam và một số nước có nền cai trị độc tài để giữ được thị phần”.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, một người cũng từng có các đăng tải trên mạng xã hội bị xoá vì “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, đó là “lỗ hở kỹ thuật” của Facebook để công an và mạng lưới dư luận viên do quân đội quản lý lợi dụng bằng cách lập báo cáo để gỡ bỏ nội dung mà họ không muốn lan truyền trên mạng.

‘Đồng loã’

Quyền tự do biểu đạt đã nở rộ trên Facebook và YouTube ở Việt Nam, nơi nhà nước nắm quyền kiểm soát truyền thông chính thống và dùng nó làm công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản, trong một thập kỷ qua. Nhưng theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) “gần đây nhà chức trách đã bắt đầu tập trung vào việc coi sự biểu đạt ôn hoà trên mạng là một mối hiểm hoạ hiện hữu đối với chế độ”.

Theo một báo cáo mới nhất do Ân xá Quốc tế công bố trong tháng này, Facebook và YouTube đã trở thành “những nơi săn lùng của các nhà kiểm duyệt, quân đội trên không gian mạng và những ‘dư luận viên’ do nhà nước bảo trợ”.

Chúng tôi phụ thuộc vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi biết về các nội dung mà họ cho là vi phạm pháp luật thông qua các quy trình chính thức, và sẽ hạn chế nếu thấy thích hợp sau khi đã xem xét kỹ lưỡng.
Đại diện Google, chủ sở hữu YouTube


Các nền tảng này không những “để điều đó xảy ra” mà còn “đồng loã” với chính quyền Việt Nam trong việc “kiểm duyệt và trấn áp trên quy mô công nghiệp” đối với sự biểu đạt ôn hoà trên mạng ở Việt Nam, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London, Anh.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó đã phản bác báo cáo này của Ân xá Quốc tế, và cho biết các doanh nghiệp nước ngoài được “tạo điều kiện thuận lợi” để hoạt động và kinh doanh ở đây “trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam”.

Việt Nam hồi năm ngoái chính thức áp dụng Luật An ninh Mạng, trong đó yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ các quy định pháp luật sở tại, bao gồm cả việc mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Các nguồn tin của Reuters trong năm nay tiết lộ rằng Facebook bị buộc phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc siết chặt kiểm duyệt để hạn chế các đăng tải “có tính phê bình” sau khi mạng xã hội của Mỹ bị làm chậm lượng truy cập và thậm chí bị đe doạ đóng cửa ở Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây thường xuyên công bố việc các mạng xã hội Facebook và YouTube gỡ bỏ bài viết, đăng tải bằng ảnh cũng như video clip mà chính quyền cho là có nội dung “xấu, độc” theo yêu cầu của Hà Nội.

Mới đây nhất, bộ này hôm 13/12 cho biết từ đầu năm đến nay Facebook và YouTube đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết bị cho là “vi phạm pháp luật” cũng như xoá hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin “tuyên truyền chống Nhà nước”, “chống Đảng” theo yêu cầu của bộ.

Bản thân người đại diện của Facebook đã công khai công nhận họ hoạt động ở đâu là họ tuân thủ pháp luật ở nơi đấy. Có nghĩa rằng yêu cầu của chính phủ Việt Nam được họ thực hiện.
Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và nhà hoạt động dân chủ


Cụ thể, bộ TT-TT nói rằng Facebook gỡ, chặn gần 4.000 bài viết với mức tăng 400% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ gỡ, chặn theo yêu cầu là 95%, trong khi YouTube, do Google sở hữu, đã ngăn chặn và gỡ bỏ gần 30.000 video clip bị cho là “vi phạm” và “phản động” với tỷ lệ chấp hành là 87%.

Các báo cáo minh bạch của Facebook và Google cho thấy họ đã thực hiện xoá đăng tải bài viết và video theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

Trong khi Facebook cho biết họ “hạn chế tiếp cận” với các đăng tải của người dùng theo báo cáo của Bộ TT-TT đối với các nội dung “chống Đảng Cộng sản Việt Nam”, Google nói rằng các nội dung mà YouTube “xoá bỏ” theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam thuộc diện “có thể bị coi là vi phạm luật địa phương.”

Facebook không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về những tiêu chí hoạt động của họ ở Việt Nam và liệu họ có “thoả hiệp” với chính phủ Việt Nam trong việc kiểm duyệt thông tin hay không, trong khi một đại diện của Google cho VOA biết họ “có các chính sách rõ ràng đối với các yêu cầu xoá gỡ (đăng tải) từ các chính phủ trên thế giới.

“Chúng tôi phụ thuộc vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi biết về các nội dung mà họ cho là vi phạm pháp luật thông qua các quy trình chính thức, và sẽ hạn chế nếu thấy thích hợp sau khi đã xem xét kỹ lưỡng”, đại diện của Google đưa ra ý kiến.

Các doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Ming Yu Hah, Phó Giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Ân xá Quốc tế


Người sáng lập và là CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg, trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước nói mạng xã hội này “không kiểm duyệt” mà chỉ “tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia” mà họ hoạt động.

Lợi nhuận

“Bản thân người đại diện của Facebook đã công khai công nhận họ hoạt động ở đâu là họ tuân thủ pháp luật ở nơi đấy”, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân chủ từng có lần bị đóng tài khoản trên Facebook, nói. “Có nghĩa rằng yêu cầu của chính phủ Việt Nam được họ thực hiện”.

Việt Nam, với dân số 96 triệu người, là một thị trường “béo bở” cho cả Facebook và Google, công ty đang sở hữu YouTube.

Năm 2018, với khoảng 65 triệu tài khoản ở Việt Nam, Facebook ghi nhận doanh thu gần 1 tỷ USD ở đất nước này – chiếm khoảng 1/3 doanh thu của mạng xã hội khổng lồ Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi đó Google thu được 475 triệu USD trong cùng thời gian này nhờ vào quảng cáo trên Youtube ở Việt Nam.

“Đó là một công ty kinh doanh dùng công nghệ và đối với họ, những người kinh doanh, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu”, anh Đoàn Bảo Châu nói. “Do đó họ có đặt ở một nước sở tại nào thì họ cũng phải thoả hiệp với chính quyền của đất nước đó để làm sao vận hành chứ họ thực sự không quan tâm nhiều đến những tiêu chí chung như tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý kiến hay dân chủ”.

Tại buổi điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm 17/11, Thượng nghị sỹ Mỹ Marsha Blackburn đã cáo buộc Facebook “ưu tiên lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

Facebook rất là quan trọng đối với sự phát triển về nhận thức của người dân Việt Nam.Sự hiện diện của mạng xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là Facebook, đóng vai trò trong việc 'khai dân trí.'
Đoàn Bảo Châu, blogger phản biện xã hội


Blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết “sức ép lên công việc kinh doanh của các thực thể mạng xã hội là rất lớn” ở Việt Nam và thông cảm với việc “họ phải tuân thủ theo yêu cầu của chính quyền” trong khi nhà báo Võ Văn Tạo thất vọng khi cho rằng Facebook “vì tìm kiếm lợi nhuận mà phải đầu hàng trước những nhà cầm quyền độc tài trong đó có Việt Nam”.

“Tôi nghĩ cuối cùng thì (Facebook) cũng chỉ là một công ty với mục đích tối thượng là kiếm tiền”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói hôm 16/12. “Có thể ở Việt Nam việc kiếm tiền của họ lớn quá nên thành ra họ sẽ chấp nhận gạt bỏ một số tiêu chuẩn chung để theo tiêu chuẩn riêng nhằm mục đích kiếm tiền”.

Theo các tiêu chuẩn và luật quốc tế về quyền con người, các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tôn trọng nhân quyền. Nguyên tắc 11 của Bộ Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGPs) nói rằng tất cả các công ty có trách nhiệm tôn trọng tất cả các quyền con người ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động.

“Các doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ”, theo Phó Giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Ân xá Quốc tế, Ming Yu Hah.

Hy vọng vào chính phủ Mỹ?

Facebook, kể từ khi có phiên bản tiếng Việt vào năm 2008, đã trở thành nền tảng phổ biến nhất ở Việt Nam với 66 triệu người dùng và là thị trường lớn thứ 7 trên thế giới.

“Facebook rất là quan trọng đối với sự phát triển về nhận thức của người dân Việt Nam”, blogger Châu nói, và nhận định rằng sự hiện diện của mạng xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là Facebook, đóng vai trò trong việc “khai dân trí” cho người dân của quốc gia không có nền báo chí tự do vì truyền thông chính thống nằm dưới sự quản lý của nhà nước và được coi là công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản.

Việt Nam được co là một trong những quốc gia ít có tự do báo chí nhất trên thế giới khi bị RSF xếp hạng 175/180 nước về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2020.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi chính phủ Mỹ dùng đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ công ty mạng lớn nhất của Hoa Kỳ trước sức ép của chính quyền Việt Nam.


“Từ ngày có Facebook, nhận thức của người dân tăng cao rõ rệt”, nhà báo Danh nhận định và cho biết hiện nay không một mạng xã hội nào ở Việt Nam có thể thay thế được Facebook ở đây.

Nhà báo Tạo cho biết đã có những lời kêu gọi của nhiều người dùng Facebook trong nước chuyển sang dùng mạng xã hội khác như Mind để phản đối cũng như “tẩy chay” việc Facebook “thoả hiệp” với chính quyền trong việc kiểm duyệt thông tin, nhưng theo ông “cuối cùng vẫn phải quay lại Facebook” vì sự phổ biến của mạng này.

“Facebook là một công cụ tuyệt vời để mỗi cá nhân có thể đóng vai trò như là một nhà báo, như là một phát thanh viên truyền hình để phản ánh sự việc, sự thật và những câu chuyện xã hội xung quanh họ”, blogger Châu nói. “Đó là một sự cân bằng lại về thông tin”.

“Nhưng tiếc thay chính quyền đã kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn và cũng đã bỏ tù rất nhiều những người dùng mạng xã hội để phát biểu nên chính kiến của mình”, anh Châu nói. “Đó là một điều đáng buồn và đáng lo ngại”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) hồi tháng 4 năm nay cho rằng Facebook đã đầu hàng trước sức ép của chính quyền Việt Nam khi đồng ý chặn bài của những người bất đồng chính kiến, và họ kêu gọi chính phủ Mỹ dùng đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ công ty mạng lớn nhất của Hoa Kỳ trước sức ép này.

HRW cho rằng lẽ ra Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần sử dụng tốt hơn đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ Facebook trong tình huống bị chính quyền Việt Nam gây sức ép. Tổ chức này cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần ủng hộ Facebook một cách công khai hơn để ngăn ngừa các chiến thuật mạnh tay của chính quyền.

“Tôi nghĩ chính phủ Mỹ, cụ thể là quốc hội Mỹ, chính quyền Mỹ mới đặt ra được những điều luật hay quy định gì đó để các công ty phải thay đổi mô hình kinh doanh của họ để không làm hại đến nhân quyền và nhiều thứ khác,” TS Quang A nói.

Facebook là một doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hoa Kỳ thì họ phải tuân thủ tất cả quy định và pháp luật của Hoa Kỳ nên tôi nghĩ nếu nhà nước Mỹ làm gay gắt chuyện này, nghiêm cấm các doanh nghiệp xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận của công dân ở các nước trên toàn thế giới không chỉ riêng ở Mỹ thì bắt buộc (Facebook) phải chấp hành.
Võ Văn Tạo, nhà báo


Ân xá Quốc tế, trong báo cáo về việc “đồng loã” của các tập đoàn công nghệ khổng lồ Mỹ – gồm Facebook và Google – đưa ra hồi đầu tháng này, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ phải “ngay lập tức có các biện pháp nhằm điều chỉnh các công ty công nghệ đặt ở các nước sở tại phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền trong các hoạt của họ trên toàn cầu phù hợp với Bộ Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Nhân quyền.”

Theo tổ chức này, các công ty công nghệ Mỹ phải “đảm bảo rằng các cá nhân là nạn nhân của các vi phạm nhân quyền do hành động của các công ty nào được tiếp cận với các biện pháp khắc phục hiệu quả”.

“Facebook là một doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hoa Kỳ thì họ phải tuân thủ tất cả quy định và pháp luật của Hoa Kỳ nên tôi nghĩ nếu nhà nước Mỹ làm gay gắt chuyện này, nghiêm cấm các doanh nghiệp xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận của công dân ở các nước trên toàn thế giới không chỉ riêng ở Mỹ thì bắt buộc (Facebook) phải chấp hành”, nhà báo Tạo nói, và cho rằng “nếu chính phủ Mỹ chỉ cảnh báo và cho qua thì tệ nạn đó sẽ còn mãi và như thế thì xu hướng độc tài sẽ lấn lướt”.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, các chính phủ đàn áp khác có thể áp dụng các chiến lược tương tự – tức yêu cầu các công ty công nghệ siết chặt kiểm duyệt thông tin – và sẽ “gây ra hậu quả sâu rộng trên toàn cầu”.

“Nếu chính phủ Mỹ mà can thiệp thì có thể sẽ có tác động”, nhà báo Danh nói ở thời điểm trước khi bị bắt. “Nhưng cá nhân tôi nghĩ Tổng thống Mỹ và người Mỹ trước tiên chỉ quan tâm đến quyền lợi của người Mỹ còn Việt Nam thì ở xa lắm”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập70
  • Hôm nay6,574
  • Tháng hiện tại339,185
  • Tổng lượt truy cập32,322,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây