Những người đàn ông Nga, một số có gia đình, bắt đầu băng qua biên giới trên bộ dài thứ hai thế giới sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh huy động quân dự bị vào tuần trước trong bối cảnh chiến dịch quân sự ở Ukraine bị đình trệ.
Người Nga không cần thị thực hoặc thậm chí hộ chiếu để vào Kazakhstan, mà chỉ cần giấy tờ tùy thân Nga. Tiếng Nga cũng được sử dụng rộng rãi ở Kazakhstan, nơi có đông đảo dân tộc thiểu số người Nga sinh sống.
Tuy nhiên, làn sóng người Nga đột ngột tràn vào đã kéo căng cơ sở hạ tầng của quốc gia rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt này. Chính phủ Kazakhstan cho biết gần 100.000 người Nga đã vượt qua biên giới kể từ khi có tuyên bố tổng động viên. Các khách sạn và nhà trọ đã kín chỗ, và tiền thuê nhà cũng tăng vọt.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, đứng đầu chính quyền từ chối ủng hộ cái mà Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine, kêu gọi sự kiên nhẫn và khoan dung.
Ông nói trong một bài phát biểu hôm 27/9: “Rất nhiều người từ Nga đã đến đây trong vài ngày qua”. Ông nói thêm: “Hầu hết trong số họ buộc phải ra đi trong tình thế tuyệt vọng”.
“Chúng ta phải chăm sóc họ và đảm bảo an toàn cho họ. Đây là một vấn đề chính trị và nhân đạo”, ông Tokayev nói.
Ông nói, chính phủ của ông sẽ thảo luận về tình hình này với Moscow.
Trong khi một số người Kazakhstan kêu gọi đóng cửa biên giới hoặc hạn chế người Nga nhập cảnh, một số khác sắp xếp các điểm gặp gỡ cho những người Nga đang kéo đến và thiết lập mạng lưới tình nguyện viên để giúp họ tìm nơi tá túc.
Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy đoàn xe chờ tại biên giới Nga - Gruzia kéo dài 16 km, sau lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin.
Theo các bức ảnh được công ty công nghệ Maxar Technologies có trụ sở tại Mỹ công bố ngày 26/9, hàng nghìn ôtô và xe tải xếp hàng trên đất Nga ở trạm kiểm soát cửa khẩu giữa nước này với Gruzia.
"Tình trạng ùn tắc có thể tiếp tục kéo dài về phía bắc khu vực được chụp ảnh", Maxar cho hay. Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết hơn 5.000 ôtô đã xếp hàng chờ hàng giờ tại biên giới với Gruzia hôm 27/9.
Những bức ảnh vệ tinh do Maxar chụp cũng cho thấy các phương tiện đang xếp hàng dài gần biên giới Nga với Mông Cổ. Dòng ôtô đã xuất hiện tại cửa khẩu biên giới Nga với Phần Lan và Kazakhstan kể từ tuần trước.
Tình hình trên được ghi nhận sau khi Tổng thống Nga Vladmir Putin ngày 21/9 ban bố lệnh động viên một phần, dự kiến huy động thêm 300.000 quân nhân dự bị để họ phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nhiều người Nga đã tìm cách rời khỏi đất nước sau khi chính phủ phát lệnh động viên quân. Ngay sau khi sắc lệnh được ban bố, tình trạng cháy vé máy bay được ghi nhận ở một số thành phố vẫn có chuyến bay thẳng từ Nga. Lượt tìm kiếm cho câu hỏi "làm thế nào rời Nga" cũng tăng lên trên Google.
Các chuyến bay của Nga trong không phận Liên minh châu Âu (EU) đã bị cấm và các quốc gia Baltic cũng đóng cửa biên giới trên bộ với Nga. Tuy nhiên, cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Nga với các nước láng giềng vẫn được mở.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm 27/9 cho hay sẽ trao đổi với Nga về dòng người nhập cảnh vào nước này. Ông gọi đây là "tình huống khó khăn", nhưng nói không có lý do gì để hoảng sợ sau khi ghi nhận hàng chục nghìn công dân Nga nhập cảnh những ngày gần đây.
Phần Lan hôm 26/9 cho biết lượng người Nga tới nước này tăng đột biến và có kế hoạch hạn chế đáng kể lượng công dân Nga nhập cảnh. Na Uy cũng báo cáo lượng người nhập cảnh từ Nga tại cửa khẩu Storskog ở cực bắc nước này tăng nhẹ.
Điện Kremlin chưa bình luận về các bức ảnh vệ tinh của Maxar, nhưng từng thừa nhận quá trình tuyển quân theo lệnh động viên vẫn tồn tại một số bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Nga tuyên bố không có kế hoạch đóng biên hay ban bố thiết quân luật ở một số khu vực biên giới.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo không áp đặt bất cứ hạn chế nào với hoạt động di chuyển của công dân liên quan đến lệnh động viên một phần. Cơ quan này hôm qua tuyên bố "chưa gửi bất kỳ yêu cầu nào tới chính quyền Kazakhstan, Gruzia hay các quốc gia khác để buộc công dân Nga phải trở lại đất nước và cũng không có kế hoạch làm như vậy".
Nguồn tin: Huyền Lê (Theo Washington Post, TASS)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn